Thế giới

Tổng thống Philippines lại "mắng" Tổng thống Mỹ

06/10/2016, 05:57
image

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc Philippines muốn dứt bỏ mối quan hệ với Mỹ không hề đơn giản.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (giữa) tron
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (áo trắng) trong chuyến thăm một doanh trại quân đội ở TP Taguig ngày 4/10

Tổng thống Philippines Duterte lại vừa có tuyên bố gây sốc khi nói rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama “hãy đi chết đi”, đồng thời cho biết, Mỹ đã từ chối bán tên lửa cho Philippines nhưng ông không quan tâm vì Nga và Trung Quốc sẵn sàng cung cấp.

Mỹ vẫn nhã nhặn

Đây là tuyên bố mới nhất của ông Duterte đúng dịp Mỹ và Philippines khởi động cuộc tập trận chung thường niên mang tên “PHIBLEX 33” ở đảo Luzon và đảo Palawan, từ ngày 4 - 12/10 với sự tham gia của khoảng 2.000 binh sĩ hai bên. Đây có thể là cuộc tập trận chung cuối cùng với Mỹ, bởi trước đó, ông Duterte đã tuyên bố muốn chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ ở biển Đông để tránh gây căng thẳng với các nước thứ 3 trong khu vực. Phát biểu về việc Mỹ chỉ trích kế hoạch trấn áp tội phạm ma túy của Philippines, ông Duterte nói rằng: “Thay vì giúp đỡ Philippines, chúng tôi lại bị Mỹ chỉ trích. Thế nên, hãy đi chết đi Obama. Còn EU tốt hơn là nên hối lỗi. Địa ngục đã đầy rồi. Sao tôi lại phải sợ EU”.

Thế nhưng, Washington dường như lại không muốn trầm trọng hóa vấn đề, mà ngược lại vẫn có thái độ nhã nhặn khi nói rằng, quan hệ hai bên vẫn nồng ấm. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Mỹ không nhận được sự thông báo chính thức từ giới chức về việc thay đổi mối quan hệ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Washington chỉ đang cố phớt lờ những tuyên bố gây sốc của ông Duterte và không cho ông ta cái cớ để tiếp tục “bùng nổ”.

Về tuyên bố “nghỉ chơi với Mỹ” và sẽ mua vũ khí của Nga và Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng, ông Duterte có thể đối mặt với nhiều trở ngại lớn nếu tuyên bố này được thực hiện, theo Reuters.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), vốn theo dõi việc mua sắm quân sự trên toàn cầu, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí gần như độc nhất cho Philippines trong nhiều năm qua.

Quan hệ quân sự giữa hai bên không chỉ dừng lại ở việc mua bán vũ khí, mà còn ở các cuộc diễn tập, tập trận chung hay việc lính Mỹ đồn trú tại quốc gia Đông Nam Á này. Philippines là nước nhận nhiều viện trợ quân sự của Mỹ nhất ở châu Á - Thái Bình Dương dưới Chương trình Tài chính quân sự nước ngoài (FMF), vốn dùng để trợ giúp những nước mua vũ khí và khí tài quân sự của Mỹ. Philippines đã nhận 50 triệu USD theo chương trình FMF chỉ riêng trong năm tài khóa 2015.

Mối quan hệ khó bỏ

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc Philippines muốn dứt bỏ mối quan hệ với Mỹ không hề đơn giản. Sự phụ thuộc vào các thiết bị và khí tài quân sự của Mỹ đồng nghĩa với việc quân đội Philippines sẽ phải tái trang bị lại hệ thống chỉ huy và kiểm soát nếu muốn đổi sang mua vũ khí của Nga hay Trung Quốc.

Theo giáo sư Richard Javad Heydarian, Đại học De La Salle ở Manila và là cựu cố vấn của Hạ viện Philippines: “Sẽ có nhiều vấn đề với hệ thống mới. Phải mất nhiều năm để quân đội Philippines làm quen lại và thành thạo với kỹ thuật mới”.

Còn Lyle Goldstein, một chuyên gia về vấn đề hàng hải Trung Quốc tại Naval War College (Mỹ) cho rằng: “Dù Nga hoàn toàn có thể cung cấp hệ thống vũ khí chất lượng cao, nhưng Philippines cũng cần phải xem xét khả năng hoạt động phối hợp của nó với hệ thống thiết bị quân sự hiện nay do Mỹ cũng cấp. Bạn không thể mua hệ thống radar của một nước còn tên lửa lại mua của một nước khác. Các loại vũ khí cần phải có sự tương thích với nhau”. Ông này cũng nói rằng, nhiều giới chức Philippines được đào tạo ở Mỹ, do đó 2 nước có mối liên hệ khá gần gũi về văn hóa quân sự.

Nhà nghiên cứu Amy Searight, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington cho rằng: “Mỹ vốn nổi tiếng không chỉ với các loại vũ khí, khí tài quân sự mà còn nổi tiếng trong việc xây dựng những thiết bị này thành khả năng quân sự thực sự. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc lại không nổi tiếng về việc cung cấp những khóa huấn luyện hay việc hỗ trợ kỹ thuật toàn diện như Mỹ”.

Ngoài ra, về tuyên bố không tập trận chung với Mỹ ở biển Đông không có nghĩa là không có các cuộc tập trận của hai bên ở các địa điểm khác.

 >>> Xem thêm video bị lăng mạ, ông Obama hủy cuộc gặp với Tổng thống Philipines:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.