Thế giới

Tổng thống Putin không bận tâm tới Hội nghị G7

08/06/2015, 06:25

Hôm qua và hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh G7 (trước đó là G8) diễn ra tại Đức mà không có mặt của Nga

100
Biểu tình phản đối Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức

Châu Âu trừng phạt…

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra một ngày, các nhà ngoại giao EU cho biết, tổ chức này dự kiến sẽ kéo dài các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Các lệnh trừng phạt sẽ được kéo dài thêm 6 tháng, theo AFP. Nhóm các cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) đã trở thành G7, sau khi 7 nước thành viên (Canada, Pháp, Đức, Italia, Anh, Nhật và Mỹ) từ chối tham gia Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Sochi hồi năm ngoái, sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea.

Cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, việc vắng Nga ở Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Đức sẽ là một sự mất mát. “Thật đáng tiếc là nước Nga sẽ không có mặt với chúng tôi, nhưng chính Nga đã chọn con đường sáp nhập Crimea. Chúng tôi là một nhóm quốc gia có cùng giá trị, cùng các ý tưởng và vì thế mà Nga không tham gia hội nghị lần này”, bà Merkel nói.

Bộ trưởng Phát triển Đức, Gerd Mueller cho hay việc Nga có trở lại nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới hay không “là hoàn toàn tùy thuộc vào ông Putin”. Nhưng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga  - Sergei Ryabkov cho biết, Moscow không đề nghị quay trở lại nhóm này.

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này đang phải đối mặt với việc Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để rút khỏi EU, đồng euro yếu đi và cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp chưa có lối ra.

Mỹ hưởng lợi

Việc ông Putin không đến dự đã xuất hiện những ý kiến chỉ trích tại EU và cả nước Đức. Ông Matthias Platzeck, Thủ hiến bang Brandenburg, Chủ tịch Diễn đàn Đức - Nga cho biết: G7 nên mời Nga tham dự. Các cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới như Trung Đông, Iran, Syria, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chỉ có thể giải quyết được nếu có sự góp sức của Nga. Kể cả các cuộc khủng hoảng khác trong tương lai cũng vậy. Ngay cả cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt cũng không kỳ vọng vào một kết quả khả quan của Hội nghị Thượng đỉnh G7 và cho rằng, sẽ không có ý nghĩa nếu thiếu Nga.

Những ý kiến trên không phải không có lý, khi tờ Spiegel (Đức) ngay ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh đưa tin: Trong khi doanh nghiệp châu Âu đang phải chịu những tổn thất khổng lồ từ các biện pháp trừng phạt Nga; thì các doanh nghiệp Mỹ đang kiếm được những hợp đồng béo bở. Tờ Spiegel lấy dẫn chứng Công ty sản xuất trực thăng Bell (Mỹ) đã ký kết hợp đồng với nhà máy hàng không dân dụng Ekaterinburg ở Ural (Nga). Lợi nhuận thu về từ hợp đồng này không hề nhỏ.

Điều này khiến các quốc gia châu Âu bất mãn. Ông Frank Schauff, Giám đốc Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (AEB) ở Moskva nói: “Người Mỹ gây sức ép với châu Âu, đòi hỏi những biện pháp trừng phạt thật cứng rắn. Trong khi bản thân họ lại mở rộng thương mại với Nga trong năm vừa qua”. Ngoài ra,  trong năm 2014, Tập đoàn Boeing và nhà sản xuất titan Avisma (Nga) tiếp tục gia hạn hợp đồng hợp tác tới năm 2022. Tháng 1/2015, Energomash (Nga) ký với nhà chế tạo thiết bị vũ trụ và tên lửa đẩy Orbital Sciences của Mỹ hợp đồng sản xuất 60 động cơ cho tên lửa Antares.

Ông Putin trong buổi trả lời phỏng vấn báo giới Italia mới đây cho rằng: Nga và Mỹ không chỉ là đối tác mà còn là đồng minh khi có cùng chung quan điểm trong một số vấn đề…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.