Theo hãng tin RT, phương Tây đã cung cấp cho Ukraine số lượng lớn tên lửa tầm xa như tên lửa hành trình Storm Shadows và tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS. Ukraine đã sử dụng những loại vũ khí này để tấn công các mục tiêu của Nga ở Crimea và Donbass.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giới chức Mỹ và Anh đã gợi ý rằng họ có thể cho phép Ukraine sử dụng những loại vũ khí này tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Đáp lại, Tổng thống Nga Putin cho rằng không cần phải nói về việc cho phép hay cấm Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bởi họ đã làm như vậy thông qua các cuộc không kích bằng máy bay không người lái và các biện pháp khác.
Mặt khác, ông Putin cho rằng các cuộc tấn công sử dụng tên lửa tầm xa mà Ukraine thực hiện trong thời gian qua đều phải sử dụng dữ liệu và thông tin tình báo của phương Tây và chính quân nhân NATO tham gia triển khai tấn công mục tiêu của Nga bởi quân đội Ukraine chưa đủ năng lực để làm điều này.
"Chính vì thế, câu hỏi ở đây không phải là liệu có nên cho phép Ukraine tiến hành tấn công Nga sử dụng những loại vũ khí đó hay không. Mà đó phải đặt câu hỏi là liệu các quốc gia NATO có trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột quân sự này hay không.
Nếu quyết định chấp thuận cho Ukraine được đưa ra, đồng nghĩa các quốc gia NATO như Mỹ và các nước châu Âu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine. Dĩ nhiên, điều này làm thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột", ông Putin nói thêm.
Tổng thống Nga Putin khẳng định, điều đó sẽ buộc Nga phải đưa ra những quyết định phù hợp với những mối đe dọa mới.
Dù không tiết lộ các biện pháp mới mà Nga có thể thực hiện nhưng Tổng thống Nga Putin trước đó không ít lần cảnh báo về khả năng cung cấp cho các nước đồng minh với Nga những loại vũ khí có thể tấn công vào các mục tiêu của phương Tây ở nước ngoài.
Ngoài ra, hồi tháng 6, ông Putin cũng đề cập đến việc triển khai các loại tên lửa truyền thống có đủ khả năng tấn công vào các mục tiêu ở Mỹ và các đồng minh châu Âu. Đồng thời, Tổng thống Nga cảnh báo sẽ bắn hạ các loại vũ khí đáng ngờ và tấn công đáp trả những nước có liên quan.
Bên cạnh đó, Nga, quốc gia sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, cũng đang cân nhắc sửa đổi học thuyết hạt nhân trong đó cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia ủng hộ NATO trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, phương Tây cũng đang tiến hành thảo luận về việc liệu có nên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga như một cách đáp trả việc Nga được cho đã nhận được số lượng lớn tên lửa đạn đạo từ Iran, hành vi mà phương Tây cáo buộc sẽ làm leo thang căng thẳng giao tranh tại Ukraine.
Tuy nhiên, Iran đã lên tiếng bác bỏ thông tin nói trên và chỉ trích cáo buộc của phương Tây là một hình thức chiến tranh tâm lý xấu xa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận