Hàng nghìn người đổ ra đường biểu tình chống đảo chính |
Phe đảo chính "mất cả chì lẫn chài"
Chiều 15/7, một nhóm quân đội chưa được xác định danh tính đã dùng xe tăng, trực thăng thực hiện cuộc đảo chính bất ngờ trong khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang đi nghỉ dưỡng. Song chỉ đến sáng ngày 16/7, theo giờ địa phương, Tổng thống Erdogan tuyên bố đảo chính thất bại. Theo tờ Vox, cuộc đảo chính thất bại vừa không thể lật đổ được Tổng thống Erdogan mà còn giúp ông Erdogan tăng cường sức mạnh và uy tín tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc đảo chính thất bại sau các cuộc tấn công rầm rộ khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, ông Erdogan sẽ được công nhận là người bảo vệ chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó danh tiếng và uy tín cũng đi lên. Qua đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa những ảnh hưởng tích cực này vào số phiếu trong Quốc hội để thông qua các thay đổi Hiến pháp nhằm tăng cường quyền lực.
Theo ông Nauihal Singh, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chiến tranh, đảo chính chỉ có thể thành công khi các lãnh đạo thuyết phục các thành viên khác trong quân đội rằng họ nắm chắc thành công. Nếu chắc chắn được điều đó, thì thậm chí những người trung thành với chế độ cũng “xoay chiều”. Song, đó không phải tình thế diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, thông tin cho thấy, phần lớn quân đội nước này vẫn về phía Tổng thống Erdogan. Đồng thời, có rất nhiều người xuống đường biểu tình chống đảo chính kể cả những chính gia hàng đầu và những người đối lập với ông Erdogan. Hơn hết, việc ông Erdogan quay trở lại Istanbul giữa cảnh “nước sôi lửa bỏng” cũng là minh chứng cho thấy, ông chắc chắn đảo chính sẽ thất bại. Bởi, là một người giàu kinh nghiệm, ông Erdogan sẽ không quay về nếu nơi đó không an toàn.
Lý do thực sự đằng sau cuộc đảo chính
Các lãnh đạo đảo chính tuyên bố trước toàn thể các Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, đây là hành động để bảo vệ dân chủ - mặc dù thực tế, Tổng thống Erdogan và đảng cầm quyền được bầu bởi chính tay người dân. Thông báo của nhóm nổi dậy cho biết: “Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn chiếm được chính quyền để lập lại trật tự hiến pháp, quyền con người và tự do”.
Cuộc đảo chính bất ngờ nổ ra chiều ngày 15/7, theo giờ địa phương huy động hàng loạt xe tăng, máy bay quân sự, bắt cóc Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời chặn đường nhiều cây cầu và tấn công toà nhà Quốc hội gây thiệt hại nghiêm trọng. Đến nay, chính biến này đã khiến ít nhất 90 người thiệt mạng hơn 1.000 người bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.500 quân nhân vì nghi ngờ liên quan tới cuộc đảo chính. |
Nghe có vẻ ngang tai, vì bản thân chính giới của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay vốn được thành lập dựa trên nguyên tắc dân chủ. Nhưng, lật lại lịch sử, Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại được thành lập năm 1923 do ông Mustafa Kemal Ataturk một cựu quan chức quân sự từng cam kết mạnh mẽ sẽ thành lập chủ nghĩa quốc gia dân chủ và chủ nghĩa thế tục sâu sắc hay còn được gọi là Kemalism. Chủ nghĩa thế tục có nghĩa là thành lập một đất nước theo hướng - các chức năng chính trị, kinh tế, khoa học thoát ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo, tạo ra một nhà nước trung lập về niềm tin tôn giáo (theo WikiPedia). Từ đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tự nhận họ là lực lượng bảo vệ chủ nghĩa thế tục và từng lật đổ 4 chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1960 dưới danh nghĩa bảo vệ dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi hỗn loạn và ảnh hưởng từ Hồi giáo. Sau mỗi lần đảo chính, quân đội lại đưa đất nước vào chế độ dân chủ mặc dù việc thực hành dân chủ ngày càng suy thoái.
Theo tờ Vox, khi Tổng thống Erdogan lên nắm quyền, ông được cho là mối đe doạ với chủ nghĩa dân chủ và chủ nghĩa thế tục. Ông đứng đầu đảng AKP – Đảng Hồi giáo ôn hoà, đã tái thành lập các trường học Thổ Nhĩ Kỳ theo đường lối của đạo Hồi (điều này phá vỡ quan điểm trung lập giữa nhà nước và tôn giáo). Ông từng bị cho là đàn áp tự do báo chí của Thổ Nhĩ Kỳ và thúc đẩy các thay đổi trong hiến pháp, nhằm dồn phần lớn quyền lực vào tay Tổng thống.
Vì thế, nhiều năm trở lại đây, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã khá sốc về những biến đổi trên nhưng vẫn âm thầm lặng lẽ. Nhiều người cho rằng ông Erdogan đã “thu phục” thành công quân đội. Tuy nhiên, ở cuộc đảo chính lần này cho thấy, một phần trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn vùng lên bảo vệ vai trò truyền thống của họ là thực thi, bảo vệ chủ nghĩa thế tục chính thống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận