Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân gặp Nhà vua Salman tại Riyadh |
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện công du nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Chuyến đi này của ông Trump mang về những hợp đồng ký kết hàng tỉ USD, lời hứa hẹn việc làm và định hình lại mối quan hệ đồng minh.
Ký kết hàng tỉ USD ở Saudi, át những bộn bề nội bộ
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân Melania bắt đầu chuyến công du kéo dài gần 10 ngày từ ngày 20/5 với điểm đến đầu tiên là Saudi Arabia - một sự lựa chọn “mở màn” ra nước ngoài đầy bất ngờ so với các cựu Tổng thống trước.
Tại đây, trong hai ngày, ông Donald Trump thận trọng trong từng lời nói và kiềm chế đăng tải thông tin trên tài khoản Twitter. Thay vào đó, ông xuất hiện với hình ảnh đĩnh đạc, thân thiện và mang về một số hợp đồng thương mại cỡ lớn, thể hiện vai trò Tổng thống Mỹ trên trường quốc tế trước nhân dân Mỹ tại quê nhà, nhằm át đi những chỉ trích, tranh cãi chính trị rùm beng và ngày càng vượt tầm kiểm soát.
Sau khi rời Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ đến thăm Israel, TP Bethlehem ở Palestine, Vatican, Bỉ và Italia. Tại những điểm đến này, Tổng thống Trump sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, diện kiến Giáo hoàng Francis và tham dự các hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO. |
Đáng chú ý, ông Trump thông báo về thỏa thuận vũ khí với Saudi Arabia trị giá 100 tỉ USD. Đây được coi là bằng chứng cho cam kết mới của Mỹ với an ninh của khu vực vùng Vịnh. Gói này bao gồm nhiều loại vũ khí mà người tiền nhiệm Obama từng lưỡng lự thông qua vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để giết hại dân thường trong cuộc chiến tại Yemen.
Một diễn đàn giữa các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ và Saudi cũng mang đến những thỏa thuận trị giá nhiều tỉ USD. Trong đó, Lockheed Martin đã ký một ý định thư trị giá 6 tỉ USD để sản xuất 150 trực thăng Black Hawk tại Saudi Arabia; General Electric thông báo nhiều dự án với tổng trị giá 15 tỉ USD.
Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir đánh giá kết quả các cuộc hội đàm giữa ông Trump với Nhà vua Salman bin Abdulaziz là “khởi đầu cho bước ngoặt” giữa Mỹ, Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh. Cả ông Salman bin Abdulaziz và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đều khẳng định rõ, các thoả thuận vũ khí trên nhằm đối trọng với Iran và kêu gọi phía Iran nên chấm dứt thử nghiệm tên lửa đạn đạo và kích động chủ nghĩa cực đoan tại các khu vực bất ổn.
Tiếp đón nồng nhiệt hơn thời ông Obama
Trong suốt chuyến thăm, Nhà vua Salman thết đãi ông Trump ở cấp độ như với Hoàng gia, trải thảm đỏ, mời tiệc thịnh soạn, xa hoa và trang trí cờ Mỹ khắp mọi nơi. Đích thân Nhà vua Salman và các thành viên khác trong gia đình hoàng gia Saudi đón Tổng thống Trump cùng Phu nhân tại sân bay. Hơn nữa, Nhà vua cũng trao tặng ông Trump huy chương và mời ông tham gia điệu nhảy truyền thống với kiếm. Phía Saudi không quên nhấn mạnh cụm từ “mang tính lịch sử” khi mô tả về chuyến thăm. Ông chủ Nhà Trắng cùng Nhà vua Salman có vẻ rất thoải mái khi nói chuyện với nhau qua phiên dịch viên.
Theo New York Times, sự chào mừng và đối đãi này nồng nhiệt hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama - một người được coi là mềm mỏng với Iran và lưỡng lự về vấn đề Syria trong mắt Saudi Arabia.
Các chuyên gia nhận định, sự thết đãi nồng nhiệt và thịnh tình đó cho thấy, Saudi Arbia tin rằng nước Mỹ, cụ thể là Nhà Trắng hiện nay sẽ dễ tiếp cận hơn so với 8 năm trước (dưới thời ông Barack Obama), sẽ chia sẻ mục tiêu chung với họ và không chỉ trích nước này về các vấn đề đối xử với phụ nữ, nhánh thiểu số Shiite… cô Emile Hokayem, nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế nhận định.
Hơn nữa, chính quyền Saudi Arbia muốn thúc đẩy triệt để sự thay đổi chính sách ngoại giao, quay trở về khu vực Trung Đông của ông Donald Trump, qua việc tăng cường khẳng định sự ủng hộ của Washington với các nước theo đạo Hồi thuộc nhánh Sunni và Israel trước Chính phủ đạo Hồi theo nhánh Shiite của Iran.
Tuy nhiên, một nhận định khác đến từ cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Tamara Cofman Wittes cho rằng, mục đích của ông Trump trong việc định hình quan hệ với các nước theo nhánh đạo Hồi Sunni tại Trung Đông, về cơ bản, sẽ xung đột với mong muốn sát lại với Nga (nước ủng hộ Iran và Chính phủ Syria trong cuộc nội chiến tại nước này).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận