Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tị nạn, nhập cư từ cuối tháng 1/2017, gây ra cuộc tranh luận, phản đối gay gắt từ đó đến nay. |
Hôm qua (7/2), Tòa án Phúc thẩm Vùng thứ 9 nghe tranh luận giữa Bộ Tư pháp và Chưởng lý các bang Minnesota, Washington về việc khôi phục sắc lệnh tị nạn, nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn bị Thẩm phán Tòa án Địa hạt tại Seattle James Robarts đình chỉ.
Cuộc chiến pháp lý căng thẳng
Trong cuộc chiến pháp lý này, Bộ Tư pháp Mỹ bảo vệ sắc lệnh tị nạn nhập cư của Tổng thống với quan điểm: Việc Thẩm phán tòa án Địa hạt tại Seattle James Robarts đình chỉ sắc lệnh tị nạn, nhập cư của Tổng thống trên toàn quốc là quá rộng, cùng lắm chỉ nên đình chỉ trong phạm vi những người vốn đã được cấp phép vào Mỹ và tạm thời ra nước ngoài hoặc với những người muốn ra đi và quay trở lại Mỹ. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng sắc lệnh cấm nhập cư đối với công dân 7 nước Hồi giáo đến từ Trung Đông trong 90 ngày và ngừng chương trình tị nạn trong 120 ngày là vi phạm pháp luật.
Bên phản bác sắc lệnh cũng nhận được nhiều sự ủng hộ hơn Bộ Tư pháp. Cụ thể, đơn kiện của bang Washington nhận được hồ sơ hậu thuẫn của ít nhất 17 Chưởng lý bang, 127 doanh nghiệp và hàng chục người lao động, nhóm nhân quyền. Phía Chính phủ chỉ nhận được 3 hồ sơ ủng hộ từ một số nhóm bảo thủ.
Xem thêm video:
Trong lịch sử, trừ các trường hợp ngoại lệ đáng chú ý, thông thường, các tòa án Mỹ không bác bỏ lệnh của Tổng thống. Cuốn sách Power without Persuasion: The Politics of Direct Presidential Action, của tác giả William Howell nghiên cứu tất cả các phiên toà thách thức sắc lệnh Tổng thống từ năm 1945 - 1998 cho thấy 83% phiên toà ra đều ra phán quyết có lợi cho Tổng thống. Tuy nhiên, hãng thông tấn Reuters nhận định, trong vụ kiện này, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đối mặt với cuộc chiến pháp lý căng thẳng. Bởi, Tòa án Phúc thẩm Vùng thứ 9 vốn nghiêng về phía tự do. Trong Hội đồng 3 Thẩm phán của Tòa Phúc thẩm, có hai thành viên do các cựu Tổng thống đảng Dân chủ Jimmy Carter và Barack Obama bổ nhiệm; Người còn lại được cựu Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush bổ nhiệm.
Hơn nữa, các học giả về Hiến pháp cảnh báo ông Donald Trump nếu không thận trọng trong phát ngôn sẽ rơi vào tình huống “há miệng mắc quai”. Bởi những tuyên bố, chỉ trích của Tổng thống Trump cùng những người đại diện phát ngôn đều có thể được sử dụng trong quá trình xem xét sắc lệnh của ông Trump có nhắm vào người Hồi giáo hay không. “Những phát ngôn đó chắc chắn được sử dụng trong vụ kiện. Dù sự phân biệt đối xử về chủng tộc hoặc tôn giáo không thể hiện trong câu chữ của luật pháp hoặc sắc lệnh nhưng nếu thể hiện trong động cơ thì những luật/sắc lệnh đó có thể bị bác bỏ”, Ilya Somin, Giáo sư luật tại Đại học George Mason nhận định. Bà cho biết thêm, trong tuyên bố vào tháng 12/2015, ông Donald J. Trump từng “kêu gọi chặn toàn bộ người Hồi giáo vào Mỹ đến khi tìm hiểu được chuyện gì đang xảy ra”.
Vì sao nhóm doanh nghiệp công nghệ ủng hộ đình chỉ lệnh cấm?
Đáng chú ý là chi tiết 127 công ty, trong đó chủ yếu là các công ty công nghệ cao có tiếng của Mỹ nộp hồ sơ pháp lý phản đối sắc lệnh tị nạn, nhập cư của Tổng thống Trump. Các công ty này bao gồm: Tập đoàn Apple, Google, Microsoft... - cùng nhau lập thành nhóm thân hữu tòa án (nhóm người không phải là một bên trong một vụ kiện, đưa ra những quan điểm, thường dưới dạng các văn bản ngắn về việc nên quyết định vụ kiện như thế nào). Trong đó còn có sự tham gia của ông Elon Musk, Giám đốc điều hành hãng sản xuất ô tô Telsa và SpaceX, một thành viên trong Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump. Trước đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn Uber, ông Travis Kalanick tuyên bố rời khỏi Hội đồng cố vấn trên cũng vì tranh cãi xung quanh sắc lệnh tị nạn, nhập cư.
Nhóm doanh nghiệp lập luận: Sắc lệnh tị nạn, nhập cư “gây tổn hại nghiêm trọng tới doanh nghiệp Mỹ”. “Những người nhập cư có tay nghề cao thường rất quan tâm tới các công việc ở nước ngoài nơi họ cùng đồng nghiệp có thể đi lại thoải mái dễ dàng và được đảm bảo chắc chắn tình trạng nhập cư” - hồ sơ viết. Nếu thiếu những nhân viên cấp cao này, các công ty đa quốc gia sẽ phải thúc đẩy để đưa hoạt động sản xuất ra ngoài nước Mỹ hoặc chuyển, tuyển các nhân viên và đầu tư ở nước ngoài... Cuối cùng, chính các công nhân và nền kinh tế Mỹ phải chịu thiệt” - hồ sơ của các công ty cho biết.
Trong hồ sơ pháp lý, các doanh nghiệp chỉ ra, những chính sách nhập cư có đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế Mỹ như đã sáng lập ra hơn 200 công ty trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune 500). Rất nhiều người Mỹ gốc Iran đã sáng lập hoặc giữ các vị trí lãnh đạo tại các công ty công nghệ nổi tiếng như: Twitter, Dropbox, Oracle, Expedia, eBay và Tinder. Nhiều doanh nhân hàng đầu như: Shervin Pishevar, Pejman Nozad, anh em nhà Ali và Hadi Partovi, đầu tư lên tới hàng triệu đô-la vào các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ tại Mỹ đều sinh ra tại Tehran.
Thực tế, chỉ 3 ngày sau sắc lệnh, chỉ số cổ phiếu S&P 500 của 5 công ty công nghệ lớn nhất tại Mỹ sụt giảm nghiêm trọng, gây thiệt hại 32 tỉ USD. Nếu như trước lệnh cấm, hầu hết các công ty trong ngành này đều bày tỏ mong muốn hợp tác với Tổng thống và tránh xung đột trực tiếp thì nay các công ty thể hiện sự phản đối kịch liệt.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận