Tổng thống Mỹ Donald Trump tươi cười trong chuyến thăm Trung Quốc |
Chưa đầy một ngày sau khi quay về Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu, tuyên bố đạt được bước tiến lịch sử sau chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày, đi qua 5 quốc gia, nhất là trong vấn đề kinh tế và Triều Tiên.
Mang về ít nhất 300 tỉ USD
Chỉ trong 18 tiếng kể từ khi đặt chân về Mỹ sau chuyến công du châu Á dài ngày nhất của một Tổng thống Mỹ kể từ năm 1992 tới nay, ông Donald Trump lập tức có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp để loan báo về những thành tựu ông đã đạt được qua chuyến thăm 5 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines.
Lãnh đạo Mỹ một lần nữa khẳng định, đoàn đại biểu Mỹ trong chuyến công du châu Á đã được đón tiếp một cách nồng hậu, trang trọng và ở cấp độ cao nhất.
Ông Trump khẳng định, “động lực từ chuyến thăm của chúng tôi sẽ trở thành bệ phóng để Mỹ có thể hoàn tất các mục tiêu và hoạch định chiến lược của đất nước”.
“Tương lai tốt đẹp đó là hoàn toàn có thể đến chừng nào người Mỹ thành thực với chính mình”, kênh ABC News dẫn lời ông chủ Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết, ông đã chia sẻ với các lãnh đạo thế giới mà ông có dịp gặp gỡ về việc Mỹ đang làm kinh tế tốt như thế nào, đề cập tới những con số thị trường chứng khoán tích cực và chỉ số tăng trưởng (3%) ra sao.
Theo các nhà quan sát, ba vấn đề mà ông chủ Nhà Trắng luôn nhấn mạnh và dồn sức thực hiện trong chuyến thăm này là đoàn kết thế giới chống lại tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên; tăng cường mối quan hệ liên minh trong khu vực và khẳng định thương mại công bằng, có đi có lại, đã đạt được nhiều điểm nổi bật và tích cực.
Cụ thể hơn, về kinh tế, trong chuyến thăm, ông Trump khẳng định, vị thế của Mỹ trên thế giới đang ngày càng vững chắc hơn bao giờ hết và “những ngày tháng Mỹ bị lợi dụng đã qua”. Với chuyến thăm lần này, Tổng thống Trump khẳng định, mình đã mang về các thỏa thuận trị giá ít nhất 300 tỉ USD, trong đó có 200 tỉ USD giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc.
Tại Việt Nam, các công ty hai nước đã ký kết các thỏa thuận kinh tế trị giá 12 tỉ USD mà Tổng thống đánh giá là “công bằng”, “có đi có lại”, chưa từng có đối với Mỹ trước đây.
Nhưng, khi đề cập về các thỏa thuận với Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là các bản ghi nhớ, không ràng buộc nên chưa chắc sẽ được tuân thủ hoàn toàn trên thực tế. “Các thỏa thuận này không thể thay thế cho một sự thay đổi chính sách”, ông David Dollar, nghiên cứu sinh cấp cao về kinh tế Trung Quốc tại Viện Brookings nhận định.
Với Trung Quốc, một đất nước có nền kinh tế sắp trở thành lớn nhất thế giới, “điều thực sự thay đổi quan hệ thương mại giữa hai nước đó chính là mở ra những thị trường mới trong nhiều lĩnh vực từ xe hơi, giải trí đến truyền thông xã hội. Nhưng lại có ít thảo luận về thay đổi chính sách giữa hai nước kể cả trong quá trình chuẩn bị hay trong suốt chuyến công du”.
Đạt đồng thuận với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên
Về vấn đề Triều Tiên, theo AP ngày 16/11, Tổng thống Trump khẳng định, Mỹ và Trung Quốc, quốc gia có vai trò quan trọng trong giải quyết căng thẳng với Triều Tiên đã nhất trí: Không thể có chuyện, Triều Tiên chỉ đơn thuần đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự nhượng bộ từ quốc tế. Họ bắt buộc phải hủy hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân.
Sự đồng thuận này xuất phát từ việc trước đây, Nga và Trung Quốc từng đề xuất một giải pháp để khởi động lại cuộc đàm phán 6 bên vốn bế tắc lâu nay đó là: Triều Tiên có thể đóng băng hạt nhân và chương trình tên lửa, đổi lại, Mỹ và các nước đồng minh phải ngừng tập trận quân sự chung. Bình Nhưỡng coi những cuộc tập trận này là hành động chuẩn bị xâm lược.
Hiện, Trung Quốc chưa công khai từ bỏ đề xuất trên với Nga nhưng họ khẳng định, sẽ đưa các đặc phái viên cấp cao tới Triều Tiên, lần đầu tiên kể từ năm 2015. “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công nhận, chương trình hạt nhân Triều Tiên cũng là mối đe dọa nghiêm trọng với Trung Quốc và đồng ý rằng, chúng tôi sẽ không chấp nhận thỏa thuận “đóng băng để đóng băng” như các thỏa thuận đã thất bại trong quá khứ”, ông Trump nói.
Lãnh đạo Mỹ cho biết, Chủ tịch Tập cũng cam kết tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm chặn đứng nguồn lợi nhuận nuôi sống các chương trình vũ khí của Triều Tiên và sử dụng ảnh hưởng kinh tế to lớn của Trung Quốc với quốc gia đang bị cô lập ở Đông Bắc Á, nhằm đạt được mục tiêu chung về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân”.
Biết cách kết nối, xây dựng quan hệ
Nếu như các vấn đề như thương mại hay Triều Tiên cần thời gian để đánh giá hiệu quả thì những điểm nổi bật trong cách ông Trump gây dựng quan hệ với lãnh đạo các nước trong khu vực đã thể hiện rõ thành công của ông trong chuyến thăm châu Á. Dư luận vốn lo ngại, là một người chưa từng tham gia chính trường như ông Trump sẽ gặp khó khăn, lúng túng trong các chuyến công du nước ngoài. Hơn nữa, chuyến đi tới châu Á lại diễn ra dài ngày đến mức các trợ lý cạnh ông Trump cũng lo lắng và từng phải kêu gọi cắt thành 2 đợt để giảm tải.
Bất chấp những điều đó, ông Trump luôn xuất hiện với phong thái tự tin, rạng rỡ và vui vẻ tham gia tất cả các hoạt động ở các nước mà ông đặt chân tới. Ông nhanh chóng tạo dựng kết nối và thân mật với nguyên thủ các nước như: Chơi golf với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thăm Tử Cấm Thành với Chủ tịch Trung Quốc, đến thăm căn cứ quân sự ở Hàn Quốc, trò chuyện thân tình với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc...
Trong một nhận định về Tổng thống Trump, ông Shinzo Abe tin chắc, “chưa bao giờ có mối quan hệ thân mật, gần gũi giữa lãnh đạo hai quốc gia như chúng tôi đang có hiện nay trong lịch sử liên minh Mỹ - Nhật”. Cách thể hiện của Tổng thống Trump tại Trung Quốc cũng khiến truyền thông báo giới nước này khá hài lòng.
Một nhà phân tích của Đài Truyền hình quốc gia CCTV nói rằng, Tổng thống Mỹ “đã cho Trung Quốc những gì Trung Quốc muốn. Đó là sự tôn trọng trên trường quốc tế, với tư cách là một quốc gia nổi bật khác”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận