Trang Japan Times của Nhật Bản ngày 22/4 dẫn một bài báo của hãng tin Reuters cho hay, truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm nay không hề đề cập gì đến các hoạt động chỉ đạo mới của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, một ngày sau khi những đồn đoán xuất hiện liên tục trên báo chí quốc tế về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo trẻ tuổi kể từ khi ông vắng mặt trong một lễ kỷ niệm lớn của đất nước vào tuần trước.
Các quan chức Hàn Quốc, Trung Quốc cùng các nguồn tin quen thuộc với tình báo Hoa Kỳ đã tỏ ra nghi ngờ về các báo cáo nói rằng ông Kim đang bị bệnh nặng sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật tim trong khi Nhà Trắng cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ vấn đề.
Suy đoán về sức khỏe của ông Kim lần đầu tiên xuất hiện khi ông vắng mặt trong ngày kỷ niệm sinh nhật của lãnh tụ Kim Nhật Thành (ông nội của ông Kim Jong Un) vào ngày 15 tháng Tư.
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên (KCNA) và báo Rodong Sinmun của đảng cầm quyền trong ngày thứ Tư, đã không đưa ra dấu hiệu nào về sự tái xuất cũng như nơi ông Kim Jong Un đang ở trong các bản tin như thường lệ mà chỉ có duy nhất thông tin nói rằng "Chủ tịch Kim nhân dịp này đã gửi quà sinh nhật cho những công dân Triều Tiên ưu tú".
Các bài báo, bản tin chính được KCNA đăng tải ngày hôm nay chỉ nói về trang thiết bị thể thao, nông dân thu hoạch dâu tằm và một cuộc họp ở Bangladesh về chủ đề liên quan đến hoạt động nghiên cứu hệ tư tưởng tự lực tự cường (juche) của Triều Tiên.
Trong khi đó, tờ Rodong Sinmun cũng chỉ đăng các bài báo về nền kinh tế tự túc và các biện pháp chống dịch Covid-19.
Văn phòng Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết không có dấu hiệu bất thường nào từ Triều Tiên, trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông không mấy tin vào các báo cáo về tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong Un.
Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ông Robert O’Brien, nói với hãng tin Fox News rằng Nhà Trắng đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này.
Báo Bloomberg dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Nhà Trắng nhận được thông báo nói tình hình sức khỏe của ông Kim Jong Un đã xấu đi sau cuộc phẫu thuật.
Tuy nhiên, các nguồn tin có thẩm quyền của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong giới tình báo đã đặt câu hỏi nghi ngờ về độ xác thực của các báo cáo nói ông Kim đang gặp nguy hiểm.
Một chuyên gia người Hàn Quốc hiện đang làm việc cho chính phủ Mỹ cho biết, bất kỳ báo cáo đáng tin cậy nào có liên quan đến ông Kim Jong Un cho giới chức Mỹ đều được gửi đi một cách bí mật, không có khả năng rò rỉ với truyền thông.
Nhưng, theo ông Thae Yong Ho, cựu Phó Đại sứ Triều Tiên tại London, người đã đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 2016, việc truyền thông nhà nước ở Bình Nhưỡng im lặng kéo dài là rất bất thường vì trước đây lực lượng này luôn đi đầu và luôn nhanh chóng có hành động xua tan những câu hỏi về tình trạng lãnh đạo của họ.
Mỗi khi có tranh cãi về ông Kim Jong Un, báo chí Triều Tiên sẽ nhanh chóng hành động trong vòng vài ngày để chứng minh rằng nhà lãnh đạo của họ vẫn bình thường, ông Thae Yong Ho trong một tuyên bố.
Ông Thae Yong Ho cho rằng sự vắng mặt của ông Kim Jong Un trong lễ kỷ niệm 15 tháng Tư là chưa từng có.
Kim Jong Un là nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ ba trong gia tộc quyền lực họ Kim đang kiểm soát Triều Tiên bằng các chính sách tự lực, cứng rắn. Ông Kim Jong Un lên nắm quyền sau khi người cha - Kim Jong Il qua đời năm 2011 vì một cơn đau tim.
Việc thông tin từ bên trong Triều Tiên lọt ra ngoài là rất khó khăn, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến lãnh đạo của nước này. Tin tức luôn được kiểm soát chặt chẽ.
Trước đây, đã từng có những báo cáo sai lệch về các nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng, nhưng, thực tế là ông Kim Jong Un hiện chưa có người kế nhiệm rõ ràng, điều đó cũng có nghĩa là bất kỳ sự bất ổn nào trong giới lãnh đạo cấp cao cũng có thể gây ra rủi ro lớn.
Khi được hỏi về sự biến động giả định nào đó ở Triều Tiên, Cố vấn an ninh Mỹ Robert O’Brien nói rằng:
"Cơ bản là sẽ có một người nào đó trong gia đình, kế nhiệm ông Kim Jong Un. Nhưng, một lần nữa, còn quá sớm để nói về điều đó bởi vì chúng tôi thực sự không biết Chủ tịch Kim đang ở trong tình trạng ra sao và Mỹ sẽ phải xem nó diễn ra như thế nào".
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã từng hỏi ông Kim Jong Un về việc kế nhiệm trong quá khứ nhưng ông Kim khi ấy đã từ chối giải thích.
Hiện tại không có thông tin chi tiết nào về con cái của ông Kim Jong Un trong các nhà phân tích rằng em gái và những người trung thành của ông Kim có thể hình thành một tập thể lãnh đạo quyền lực cho đến khi một người kế vị (con ông Kim Jong Un) đủ tuổi để tiếp quản.
Theo Reuters, trong những năm gần đây, ông Kim Jong Un đã phát động một chiến dịch ngoại giao quy mô để quảng bá mình là một nhà lãnh đạo thế giới khi tổ chức ba cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Trump, bốn cuộc với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và năm cuộc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc vẫn là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên. Nói với Reuters, một quan chức của Cục Liên lạc Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bày tỏ niềm tin rằng Kim Jong Un không bị bệnh nặng.
Trước đó, như đã đề cập, trang Daily NK đưa tin nói rằng ông Kim Jong Un đã nhập viện vào ngày 12 tháng Tư, vài giờ trước khi trải qua phẫu thuật tim, vì sức khỏe kém đi kể từ tháng 8/2019 do hút thuốc lá nhiều, nặng cân và làm việc quá sức.
Daily NK nói rằng ông Kim Jong Un hiện đang được điều trị tại một biệt thự ở khu nghỉ mát núi Myohyang phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng.
Joseph Yun, cựu đặc phái viên của Hoa Kỳ tại Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, nói rằng ông tin có cái gì đó thực sự không ổn, khá là tồi tệ đang diễn ra ở Triều Tiên.
“... Nếu ông ấy bị bệnh nặng..., không có kế hoạch kế nhiệm, có thể sẽ rất tệ. Có thể xuất hiện một cuộc tranh giành quyền lực, vị trí, ảnh hưởng vì cuộc sống của họ sẽ phụ thuộc vào điều đó” – ông Joseph cho hay.
Theo ông Joseph, đối với những đồn đoán trước đây, Triều Tiên luôn nhanh chóng phản hồi (các báo cáo tin tức của truyền thông nước ngoài). Tuy nhiên, đáng chú ý là cho đến nay họ vẫn giữ im lặng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận