Cả Nga và Ukraine đều có những động thái gia tăng quân sựthời gian gần đây liên quan đến bán đảo Crimea |
Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang leo thang nghiêm trọng và cả hai nước đều đang ráo riết tăng cường quân sự dọc khu vực biên giới chung.
Ồ ạt tăng quân
Truyền hình Kênh 5 của Ukraine ngày 16/8 dẫn lời người phát ngôn Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Vadym Skybitskiy cho biết, Nga đã chuyển đến bán đảo Crimea những loại vũ khí hiện đại nhất, trong đó có những phương tiện có thể mang vũ khí hạt nhân. Theo tin tình báo Ukraine, tại Crimea có khoảng 30 xe tăng, 3 tàu ngầm, 15 dàn tên lửa và tổ hợp tên lửa hiện đại nhất S-400.
Ông Skybitskiy đánh giá, nguy cơ cao nhất đối với Ukraine là việc Nga đưa các phương tiện có thể mang vũ khí hạt nhân đến Crimea. Thứ hai là tăng số tàu ngầm, tàu chiến, canô mang tên lửa có thể phóng tên lửa dàn “Calibr” thế hệ mới nhất. Ngoài ra, Nga cũng tăng cường lực lượng không quân có thể tác chiến trên khắp lãnh thổ Ukraine từ Crimea.
Tình trạng căng thẳng hiện nay xuất phát từ việc hồi cuối tuần trước, chính quyền Nga cáo buộc Ukraine âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu trên bán đảo Crimea (trước đây thuộc Ukraine, nhưng đã sáp nhập vào Nga năm 2014). Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, đã bắt giữ một nhóm biệt kích tại Crimea, cũng như ngăn chặn thành công âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên bán đảo này. Theo FSB, Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ucraina đứng sau âm mưu khủng bố tại Crimea.
Sau đó, cả Nga và Ukraine đều liên tục có những động thái đáp trả. Phía Ukraine tuyên bố Nga đang tăng cường lực lượng cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự gần Crimea. Tổng thống Ukraine Poroshenko đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass ở miền Đông Ukraine “sẵn sàng cho chiến tranh”. Các đơn vị quân đội Ukraine đóng tại khu vực giáp ranh với bán đảo Crimea ngày 11/8 đã thi hành hàng loạt biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyển quân và phương tiện theo chỉ thị của Tổng thống.
Ai đứng sau?
Trong lúc căng thẳng với Ukraine ngày càng gia tăng, hôm qua, một nhóm nghị sĩ Nga đứng đầu là nghị sĩ Sergei Obukhov gửi thư tới Tổng thống Putin kêu gọi hủy Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và đối tác với Ukraine. Bức thư nêu rõ, “những hành động của lực lượng vũ trang Ukraine đòi hỏi Nga ngay lập tức phải có biện pháp đáp trả, một trong những biện pháp đó, quan trọng và hợp lý nhất là hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine.
Theo giới phân tích, không phải ngẫu nhiên, sự căng thẳng giữa Moscow và Kiev đang được đẩy lên, nhất là vào thời điểm ngay sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Việc Nga - Thổ bình thường hóa quan hệ là điều mà Mỹ và phương Tây không hề muốn. Có thể nói, việc sử dụng quân cờ Thổ Nhĩ Kỳ để gây áp lực với Nga đã thất bại nên Mỹ và phương Tây muốn chuyển hướng sang vấn đề Ukraine. Vì thế, người ta không thể không nghi ngờ vai trò của Mỹ và phương Tây trong lần căng thẳng này.
Mặc dù Nga chưa cắt đứt quan hệ với Ukraine, song việc Kiev từ chối vị Đại sứ Nga mới - Mikhail Babich có thể được coi là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ với Moscow. Điều này chắc chắn sẽ kéo theo những hệ lụy và thiệt hại lớn đối với Ukraine và Nga, do cả hai đang phải chịu áp lực lớn vì suy thoái kinh tế. Liệu Nga và Ukraine có hiểu rõ giới hạn đỏ trong quan hệ giữa hai nước? Tuy nhiên, có vẻ như Ukraine đang ở thế yếu hơn, khi nước này có hàng triệu lao động có nguy cơ bị Nga trục xuất và phải nhập khẩu đến hơn 50% lượng khí đốt từ Nga.
Cộng đồng quốc tế cũng đang hết sức lo ngại về mức độ leo thang căng thẳng mới này. Ngoại trưởng Đức Walter Steinmeier thúc giục cả hai nước kiềm chế, tránh làm tình hình xấu thêm. “Điều quan trọng nhất là đảm bảo chắc chắn rằng, tình hình sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi kêu gọi cả hai bên có những bước đi nhằm làm giảm căng thẳng và kiềm chế bạo lực”, ông Steinmeier nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận