Đây là nhận định của ông Kevin Kuehnert, Tổng Thư ký đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đứng đầu chính phủ liên minh của Đức trong cuộc phỏng vấn ngày 8/1 với hãng tin Reuters về quan điểm của Đức đối với đường ống dẫn khí chạy qua biển Baltic.
Ông Kevin Kuehnert khẳng định: “Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gần như đã được kết nối với toàn bộ hệ thống, chỉ còn thiếu một số thủ tục pháp lý cuối cùng để có thể bắt đầu vận hành”.
Theo Tổng Thư ký SPD, tuy dự án này do tập đoàn khí đốt quốc gia Gazprom của Nga đứng đầu nhưng không nên bị gắn với các biện pháp đáp trả Nga liên quan đến mâu thuẫn giữa Nga với Ukraine cũng như những vấn đề mà Berlin đã có lập trường, chiến lược ngoại giao rõ ràng.
Ông Kevin Kuehnert - Tổng Thư ký đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Ảnh - Reuters
Sự ủng hộ của SPD đối với dự án đường ống dẫn khí đốt này đi ngược lại với lập trường của đối tác đảng Xanh trong liên minh đảng cầm quyền nhưng tương đồng với lập trường Đảng Dân chủ Cơ đốc Giáo (CDU) của cựu Thủ tướng Angela Merkel.
Cả tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz và cựu Thủ tướng Merkel đều khẳng định, Nord Stream 2 đơn thuần là dự án thương mại.
Không chỉ khác biệt về quan điểm với Nord Stream 2, SPD và Đảng Xanh còn mâu thuẫn về định nghĩa năng lượng của Châu Âu trong đó coi năng lượng hạt nhân và khí đốt là thân thiện môi trường.
Ông Kuehnert cho rằng, việc Đức phản đối đề xuất của Brussels là không tưởng và sẽ đặt Berlin vào thế thiểu số trong vấn đề này.
EU ủng hộ việc sử dụng khí đốt làm cầu nối trong một số điều kiện nhất định đến khi nguồn năng lượng từ hydrogen sạch và có thể tái tạo có thể thay thế hoàn toàn. Và quan điểm này đã được hầu hết các nhóm hoạt động vì môi trường ủng hộ - ông Kuehnert nói.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 bị nhiều quốc gia như Mỹ, Ukraine và Ba Lan phản đối vì cho rằng sẽ khiến EU phụ thuộc vào khí đốt của Nga – quốc gia vốn chịu trách nhiệm cung cấp 35% nhu cầu khí đốt của khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận