Bóng đá

Tổng Thư ký VFF: Tuyển nữ Việt Nam không bỗng dưng có vé World Cup

11/02/2022, 06:30

Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho rằng tấm vé dự World Cup của tuyển nữ Việt Nam là kết quả của quá trình đầu tư bài bản, trọng tâm.

Trao đổi với Báo Giao thông sau khi đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hoài Anh cho rằng, đây là kết quả của quá trình đầu tư có trọng tâm. Tuy nhiên, trong tương lai, bóng đá nữ Việt Nam vẫn cần thêm nhiều nguồn lực để nâng tầm.

img

Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh

Bước chuyển mình về chất của bóng đá nữ

Đội tuyển nữ vừa qua đã làm nức lòng người hâm mộ bằng việc giành vé dự World Cup 2023. Chiến tích này có nằm trong kế hoạch của VFF trước khi Asian Cup 2022 diễn ra hay không, thưa ông?

Trả lời cho câu hỏi này, tôi xin nhắc lại các mục tiêu cụ thể đối với Đội tuyển nữ được đặt ra tại Đại hội VFF khóa VIII (nhiệm kỳ 2018- 2022) bao gồm: Lọt vào top 6 châu Á; Phấn đấu giành quyền tham dự VCK châu Á 2022 (Asian Cup 2022), cạnh tranh suất tham dự World Cup 2023; Giành Huy chương Vàng tại SEA Games 2019, 2021 và Vô địch Giải nữ Đông Nam Á.

Tính đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được hầu hết các mục tiêu kể trên, chỉ còn duy nhất mục tiêu giành Huy chương Vàng tại SEA Games 2021 (dời sang năm 2022 do ảnh hưởng của Covid-19) chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt được vào tháng 5 tới, khi Việt Nam là chủ nhà của sự kiện này.

Có thể nói rằng, việc đội tuyển nữ giành quyền tham dự World Cup bóng đá nữ 2023 không chỉ là chiến tích mà còn là một kỳ tích nếu xét đến những khó khăn mà đội tuyển phải đối mặt.

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh


Theo ông, kỳ tích này có thể hiện được đầy đủ bộ mặt bóng đá nữ Việt Nam ở thời điểm hiện tại?

Tôi cho rằng, để tạo ra bước chuyển biến về chất thì cần phải có sự tích lũy đủ về lượng. Đối với đội tuyển nữ quốc gia thì việc giành quyền góp mặt tại World Cup nữ 2023 là thành quả của cả một giai đoạn dài được VFF đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, từ những nỗ lực trong công tác tổ chức Giải Bóng đá nữ vô địch Quốc gia và Cúp Quốc gia để duy môi trường thi đấu cọ xát cho các cầu thủ, cho đến các đợt tập trung, tập huấn dài ngày trong và ngoài nước.

Chỉ tính riêng giai đoạn chuẩn bị cho Asian Cup nữ 2022, đội đã trải qua gần 3 tháng tập trung tập luyện và được tạo điều kiện tập huấn, thi đấu giao hữu tại Tây Ban Nha trước khi di chuyển sang Ấn Độ tham dự giải.

Do vậy, nếu xét trên khía cạnh đội tuyển thì thành tích lần này tương xứng với mức độ đầu tư. Nhưng, xét một cách tổng thể thì thành tích lần này chưa thể hiện được đầy đủ thực trạng của bóng đá nữ Việt Nam, đặc biệt là những khó khăn của các CLB, các đội bóng nữ trong nước, cũng như nguồn lực và sự quan tâm của xã hội dành cho hoạt động phát triển bóng đá nữ.

Đầu tư, đãi ngộ bóng đá nữ không thua bóng đá nam

Bóng đá nữ luôn đi sau nhưng lại về trước so với bóng đá nam. Tuy vậy, mức độ đầu tư dường như vẫn rất khiêm tốn, ông có đồng tình với quan điểm này?

Tôi cho rằng đây là vấn đề không chỉ của bóng đá nữ Việt Nam mà bóng đá nữ thế giới cũng đang phải đối mặt với thực trạng như vậy. Mặc dù FIFA và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã có nhiều nỗ lực với các dự án dành cho phát triển bóng đá nữ.

Vấn đề cốt lõi là sự quan tâm của xã hội, của truyền thông báo chí, của các nhà tài trợ đối với bóng đá nữ vẫn chưa thể so sánh được với bóng đá nam và tôi nghĩ rằng chúng ta cũng không nên đưa ra để so sánh bởi có quá nhiều sự khác biệt giữa bóng đá nam và bóng đá nữ.

Tuy vậy, về phía VFF, tôi có thể khẳng định sự đầu tư, chế độ đãi ngộ dành cho đội tuyển nữ không hề thua kém so với đội tuyển nam. Đội tuyển nam được tạo điều kiện tập huấn nước ngoài thì đội tuyển nữ cũng được tạo điều kiện tập huấn nước ngoài.

Các cầu thủ đội tuyển nam được hưởng chế độ như nào, khi lên tập trung đội tuyển thì các cầu thủ nữ cũng được hưởng cùng một mức chế độ như vậy.

Thậm chí, ngay cả vấn đề tiền thưởng, nhiều giải đấu số tiền thưởng mà đội tuyển nữ nhận được còn cao hơn so với đội tuyển nam.

Kể từ khi FIFA công bố số đội dự World Cup nữ tăng lên 32, châu Á có 6 suất tham dự, VFF đã định hướng thế nào, đầu tư theo lộ trình ra sao để hướng tới mục tiêu dự World Cup?

Như tôi đã nói từ đầu, việc cạnh tranh suất dự World Cup nữ 2023 là một trong những mục tiêu đặt ra của Đại hội VFF khóa VIII nhiệm kỳ 2018- 2022. Điều này càng được cụ thể hóa hơn khi VFF nắm bắt thông tin FIFA tăng số đội lên 32 tại giải đấu này và đã bắt tay ngay vào chuẩn bị.

Có thể đánh giá, chúng ta đã có sự đầu tư rất tốt cho đội tuyển nữ kể từ năm 2018 đến nay thông qua kế hoạch tuyển chọn cầu thủ, tăng cường các chuyến tập huấn nước ngoài, tăng cường chuyên gia cho đội.

Trong năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng VFF vẫn cố gắng để tổ chức 2 giải đấu quan trọng trong nước là Giải Bóng đá nữ vô địch Quốc gia và Giải Bóng đá nữ cúp Quốc gia, là tiền đề quan trọng giúp duy trì nhịp thi đấu, phong độ cho các cầu thủ trước khi tập trung đội tuyển làm nhiệm vụ.

Khởi đầu cho một giai đoạn mới của bóng đá nữ

img

Đội tuyển nữ Việt Nam xuất sắc giành vé dự World Cup 2023

Theo đánh giá của ông, bóng đá nữ Việt Nam có còn dư địa để phát triển lên tầm cao mới?

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, không chỉ bóng đá nữ đâu, mà bóng đá Việt Nam vẫn còn rất nhiều mục tiêu cao hơn cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt được. Nhưng phải nhấn mạnh lại, để có sự biến chuyển về chất thì chúng ta cần phải có sự tích lũy đủ về lượng.

Đó là cuộc hành trình dài đòi hỏi phải có định hướng đúng, chiến lược đúng và phụ thuộc vào sự phát triển một cách đồng bộ. Và đó cũng không phải là câu chuyện riêng của VFF.

Hy vọng lãnh đạo các địa phương, người hâm mộ và toàn xã hội sẽ dành sự quan tâm lớn hơn đối với bóng đá nữ, làm sao để chúng ta có thể cùng nhau tận dụng sự kiện này trở thành điểm khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của bóng đá nữ Việt Nam.

Cần làm gì để giải bài toán khó?

Để nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam, ngoài việc chăm lo cho đội tuyển, kiện toàn các CLB thì chúng ta còn cần làm gì?

Tôi cho rằng điều tiên quyết để nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam là cần phải huy động tốt các nguồn lực dành cho các hoạt động phát triển bóng đá nữ, trong đó bao gồm các vấn đề trọng điểm như: Nâng cao chất lượng các Giải Bóng đá nữ Quốc gia, tăng cường các giải đấu dành cho bóng đá nữ trẻ, tạo sự ổn định cho hoạt động của các CLB nữ, giải quyết tốt vấn đề về đào tạo bóng đá nữ trẻ và cơ sở vật chất dành cho bóng đá nữ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại đây vẫn là bài toán khó và rất cần sự quan tâm đầu tư từ phía Nhà nước, từ chính quyền các địa phương, sự tham gia của các doanh nghiệp.

Trong tương lai, VFF có định hướng chuyên nghiệp hóa các giải bóng đá nữ nhằm nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh, từ đó tạo ra nền tảng vững chắc hơn cho đội tuyển quốc gia?

Hiện nay, các giải đấu dành cho bóng đá nữ vẫn đang thuộc hệ thống các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp. Tuy vậy, trong những năm gần đây, VFF cũng đã rất quyết liệt trong việc chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức cho các giải đấu ngoài chuyên nghiệp, từ hạng Nhì, hạng Ba, futsal, các giải trẻ cho đến bóng đá nữ.

Một điểm đáng chú ý khác, trong Quy chế cấp phép CLB của AFC được thông qua vào tháng 1/2021 có quy định CLB chuyên nghiệp phải có ít nhất 1 đội bóng đá nữ tham gia giải ở cấp độ quốc gia, khu vực hoặc địa phương.

Đây là quy định mới và được AFC xếp ở tiêu chí C khuyến khích thực hiện nhưng sẽ trở thành tiêu chí bắt buộc trong những năm tới.

Bên cạnh đó, CLB tham dự Giải Vô địch các CLB nữ châu Á cũng phải đáp ứng các tiêu chí cấp phép. Tôi cho rằng đó là tiền đề cần thiết để khi hội tụ đủ các yếu tố chúng ta sẽ có các giải đấu chuyên nghiệp dành cho bóng đá nữ.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.