Rác lấp đường thoát, suối bị lấn
Sau những cơn mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 7, đến nay tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 51, đường Đồng Khởi, Phạm Văn Khoai, Trần Quốc Toản đều xuất hiện một số đoạn bị ngập từ 50-70cm, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, nhất là giờ tan tầm.
Ngập nặng, phương tiện di chuyển tạo thành sóng đánh làm đổ xe máy.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên quốc lộ 1, các vị trí ngập nặng nhất là khu vực trước cổng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Thống Nhất (TP Biên Hòa); đoạn qua xã Quảng Tiến, nhà thờ Trà Cổ xã Bình Minh, đoạn qua xã Phú Sơn (huyện Trảng Bom). Còn trên quốc lộ 1K, ngập nặng nhất là đoạn giáp TP Dĩ An (Bình Dương).
Chị Hồ Thị Lan (trú phường Tân Biên, TP Biên Hòa) cho biết, điểm chung của các điểm ngập là rác lấp đầy miệng cống. Các con suối để tiêu thoát nước gần đó cũng đầy rác, bị thu hẹp dòng chảy do đất cát bồi lắng.
Theo ông Đinh Danh, người dân có nhà mặt tiền quốc lộ 51, nguyên nhân có thể do hệ thống thoát nước chưa đồng bộ: "Các suối lớn như suối Cầu Quan, suối Bà Lúa, suối Linh, Săn Máu… cần được nạo vét thường xuyên, nhà nào lấn chiếm lòng suối thì xử lý, yêu cầu tháo dỡ để tạo dòng chảy, tiêu thoát nước nhanh", ông Danh bức xúc.
Tại nhiều tuyến đường nội đô TP Biên Hòa như: Nguyễn Ái Quốc, Bùi Trọng Nghĩa, Đồng Khởi, Phạm Văn Thuận, Trần Quốc Toản… cũng xảy ra tình trạng ngập tương tự. Theo quan sát, trên đường Phạm Văn Thuận, đường Trần Quốc Toản có 6 cống thu nước đều bị rác lấp kín. Miệng cống nhan nhản túi nilon, miếng xốp, dép, nhựa.
Chống ngập phải từ gốc
Tại đường Đồng Khởi và Bùi Trọng Nghĩa, ngay nút giao ngã ba Trảng Dài cũng ngập nặng không kém. Mỗi khi có mưa, người dân hai bên đường phải luân phiên chia nhau đứng ở các miệng cống để dọn rác, giúp nước tiêu thoát nhanh hơn.
Rác bịt kín lỗ thu nước trên đường Đồng Khởi, TP Biên Hòa khiến tuyến đường bị ngập.
Hiện, địa phương đang triển khai thêm một dự án chống ngập trên tuyến đường Bùi Trọng Nghĩa với tổng kinh phí lên đến gần 14 tỷ đồng, đấu nối cùng dự án chống ngập 23 tỷ đồng trên đường Đồng Khởi đã hoàn thành. Việc này được kỳ vọng xóa ngập dứt điểm tại ngã ba Trảng Dài.
Anh Hoàng Hiếu (phường Trảng Dài) cho biết: "Có những thời điểm mưa lớn, cả phường như bị cô lập. Hầu hết đường nhánh, đường hẻm, khu dân cư ở đây đều không có hệ thống thoát nước. Mỗi khi mưa, nước từ trong nhà đổ ra hẻm, từ hẻm đổ ra đường lớn, đường lớn lại bị tắc do rác hoặc cống thoát nhỏ. Vậy là ngập từ đường lớn ngược vào trong hẻm".
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (phường Tân Phong, là kỹ sư xây dựng), muốn xóa ngập phải xóa từ gốc. Từ các khu dân cư phải làm hệ thống thoát nước để gom ra hệ thống cống chính, còn nếu chỉ nâng cấp hệ thống thoát nước ở đường lớn cũng không xóa hết ngập.
"Dự án 23 tỷ đồng nâng cấp hệ thống thoát nước đường Đồng Khởi vừa qua là ví dụ, tốn tiền mà không xóa ngập hết được", anh Tuấn nói.
Xóa nỗi ám ảnh cứ mưa là ngập
Theo ông Nguyễn Đình Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ IV, để tránh tình trạng ngập trên các quốc lộ, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra nạo vét khơi thông dòng chảy. Đồng thời, túc trực tại các vị trí cống có thể bị kẹt rác để thu gom ngay; thay thế tấm đan bê tông cốt thép bằng tấm đan lưới thép để tăng khả năng thoát nước.
Đơn vị cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nội bộ các đường nhánh, khu dân cư, không cho nước mưa, nước sinh hoạt đổ ra hệ thống thoát nước quốc lộ 1; Nạo vét, cải tạo dòng chảy mương, suối, giải tỏa các công trình lấn chiếm sông suối.
Ông Nguyễn Tôn Trọng, Giám đốc Ban QLDA Biên Hòa, Đồng Nai cho biết địa phương đang triển khai nhiều dự án chống ngập, cải tạo hệ thống thoát nước. Phương án xử lý các điểm ngập được triển khai dần từng hạng mục, từng khu vực. Ban cũng đã báo cáo thành phố về tình hình ngập, xử lý điểm ngập thường xuyên để có các phương án giải quyết.
"Với rốn ngập tại ngã ba Trảng Dài, sau khi hệ thống thoát nước đường Đồng Khởi được đầu tư, chúng tôi tiếp tục triển khai trên đường Bùi Hữu Nghĩa để giải quyết tình trạng nước từ nơi này đổ dồn qua nơi khác gây ngập thêm", ông Trọng cho biết.
Theo ông Nguyễn Đình Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ IV, hiện nay hệ thống thoát nước dọc quốc lộ 1, quốc lộ 51… qua địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu chỉ phục vụ thoát nước trên mặt đường. Tuy nhiên, hai bên tuyến các khu dân cư đã bê tông hóa, nước từ nhà dân, hẻm nhỏ đổ hết ra đường. Các kênh, suối lại bị lấn chiếm, thu hẹp, không được nạo vét, cản trở dòng chảy khiến nước tràn lên mặt quốc lộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận