Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, những bước chuyển này chưa thực sự ấn tượng, đột phá đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đường thông thoáng nhờ cơ chế đặc thù
Dạo quanh một số tuyến đường như Lê Lai, Huyền Trân Công Chúa, Phan Chu Trinh (Q.1) khá thông thoáng hơn so với trước. Đây là những tuyến đường áp dụng chính sách tăng phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường để đỗ xe từ 1/8/2018, theo đề án của HĐND Thành phố áp dụng cơ chế đặc thù.
Chị Nguyễn Thị Huyền, nhân viên thu phí cho biết, trước đây, ô tô chỉ thu vé theo lượt 5.000 đồng/vé, vì vậy có khi tài xế đậu cả ngày chiếm hết chỗ. “Giờ thu phí theo giờ, nhiều tài xế đã cân nhắc và không còn đậu xe lâu nữa”.
Theo Nghị quyết, quận 1 có 13 tuyến đường, quận 5 có 4 tuyến và quận 10 có 6 tuyến cho phép đỗ xe dưới lòng đường thu phí theo giờ. Các phương tiện được phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí là xe ô tô từ 16 chỗ ngồi trở xuống hoặc xe tải từ 1,5 - 2,5 tấn. Mức phí tối thiểu tăng từ 5.000 đồng lên 20.000 đồng/xe/h tại khu vực quận 10 và 25.000 đồng/xe/h tại khu vực quận 1, quận 5.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng, việc tăng phí đã phần nào tạo cho người dân thói quen trong việc sử dụng hạ tầng. “Rõ ràng, 23 tuyến đường có thông thoáng hơn. Điều này cũng gián tiếp hạn chế giao thông cá nhân ở khu trung tâm. Đó là cơ sở để hướng tới phát triển giao thông công cộng”, ông Lâm nói.
Cùng với đó, Thành phố cũng đã ủy quyền cho Sở GTVT được quyết định rất nhiều nội dung mà theo quy trình trước đây phải trình UBND TP. Chẳng hạn, Sở GTVT được quyết định phân khai chi tiết vốn đầu tư công trên cơ sở tổng vốn được giao trung hạn. Ủy quyền xây dựng quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi, điểm đón trả taxi, các vị trí điểm đón trả khách tuyến cố định. Sở GTVT được phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương. “Việc ủy quyền này đã đưa đến sự chủ động trong sử dụng nguốn vốn ngân sách, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Thành phố”, ông Lâm nói.
Trên địa bàn quận 8 có nhiều Văn phòng luật sư hoạt động. Trước đây, nếu muốn kiểm tra, UBND quận 8 phải phối hợp với Sở Tư pháp, có lúc quận sắp xếp được thời gian thì Sở lại không có người và ngược lại. Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp đã ủy quyền cho UBND quận 8 trong việc kiểm tra việc hành nghề luật sư trên địa bàn. Điều này đã đưa đến sự chủ động hơn cho quận trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra tổng thể trong cả một năm theo từng thời điểm khác nhau.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết, việc ban hành “Điều chỉnh mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp” theo hướng tăng lên đã bổ sung hơn 60 tỷ đồng cho ngân sách Thành phố. “Quan trọng là việc điều chỉnh này tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường đối với các chủ nguồn thải, khuyến khích tiết kiệm nước, giảm xả thải, đầu tư xử lý nước thải tốt hơn, hạn chế thải các chất ô nhiễm ra môi trường, đồng thời cũng đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí”, ông Thắng nói.
10 năm nữa không có đường để đi
Thành phố tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù theo các đề án
- Rà soát việc sắp xếp lại và xử lý các nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương quản lý trên địa bàn; Đề án ứng dụng vốn ngân sách Thành phố cho trung ương thực hiện dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3; Đề án mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước tại TP HCM.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của thành phố, sắp xếp nhà, đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn để tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, từ đó có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng.
- Mời các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực theo các chính sách thu hút đã được HĐND thành phố thông qua để nghiên cứu, đề xuất tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách mới, vượt trội hơn quy định pháp luật hiện nay và phù hợp với cơ chế đặc thù để có sự bứt phá.
- Đề xuất Thủ tướng phân cấp mạnh mẽ cho thành phố chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn của thành phố.
Một năm thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 45 của Quốc hội, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng theo nhiều người dân và các chuyên gia, những gì “cầm”, “nắm” được chưa thực sự rõ ràng.
Theo PGS. TS. Võ Trí Hảo, Trưởng Khoa Luật - ĐH Kinh tế TP HCM, tình trạng kẹt xe, ngập nước chưa được giải quyết cơ bản khiến ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thậm chí có những quyết sách theo cơ chế đặc thù này đưa chưa hợp lòng dân. Cụ thể, trong khi những vấn đề bức xúc về GPMB ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa được giải quyết, HĐND Thành phố đã ra Nghị quyết dành 1.500 tỷ đồng xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch ở Thủ Thiêm khiến dư luận bức xúc.
TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Đại học Fulbright cho rằng, những gì thấy được sau một năm triển khai cơ chế đặc thù tại TP HCM chưa thực sự rõ nét. “Ngoài việc cán bộ được chi thu nhập tăng thêm, người dân chưa “sờ” được những lợi ích gì từ cơ chế đặc thù”, TS. Du nói. Những vướng mắc về cơ chế kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho các tuyến metro số 1, 2, 5 và các tuyến đường Vành đai 2, 3… vẫn là điểm nghẽn bấy lâu nay.
TP Hồ Chí Minh có 5 năm thí điểm cơ chế đặc thù, và đã đi được 1/5 chặng đường. Chắc chắn rằng, những cơ chế này không phải là chiếc “đũa thần” để Thành phố có thể sánh kịp Singapore, Thượng Hải, Hồng Kông… “Điều mà người dân mong muốn là những chính sách được triển khai theo cơ chế đặc thù phải thiết thực đi vào đời sống”, bà Hoàng Thị Diệu - một người dân P16, quận 8 nói.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữa tháng 4/2019, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP HCM nêu lên những vướng mắc trong việc áp dụng cơ chế đặc thù và tiếp tục kiến nghị Trung ương tháo gỡ. Ông Nhân nêu dẫn chứng: Thành phố có dân số chiếm 9,5% dân số cả nước, lao động chiếm 82%, thu ngân sách bằng 27% cả nước nhưng chỉ giữ lại được 5,2% ngân sách quốc gia, đó là một sự mất cân đối khá trầm trọng. Lẽ ra nếu 9,5% dân số thì được giữ lại ít nhất 9,5% thu ngân sách mới đủ chi. “Chính sự mất cân đối đó đã không còn nguồn lực tài chính công để đầu tư cho hạ tầng. Đó là lý do vì sao việc đầu tư hạ tầng giao thông của Thành phố luôn đi sau”.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, lâu nay các công trình giao thông quốc gia đều do Trung ương thực hiện, thành phố muốn làm cũng không được. Cụ thể như tuyến Vành đai 3 do Trung ương thực hiện, nhưng Trung ương thiếu tiền. Thành phố muốn tham gia đầu tư toàn bộ cũng không có ngân sách vì nguồn thu để lại quá ít. Thành phố xin cơ chế đầu tư Vành đai 3 bằng cách Thành phố đi vay, ứng tiền ra giải phóng mặt bằng trước, Trung ương trả sau. Bởi, theo Bí thư Thành ủy Thành phố, cứ 5 năm thành phố tăng 1 triệu dân và 1 triệu xe gắn máy. Nếu nhiệm kỳ sau mới bắt tay thực hiện, 10 năm nữa mới hoàn thành Vành đai 3, lúc đó Thành phố đã có thêm 2 triệu xe gắn máy thì không có đường để mà đi.
Đối với các dự án đầu tư lớn, Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội cho tách “Dự án đền bù, tái định cư, bàn giao mặt bằng” thành một dự án độc lập để thực hiện trước. Thực hiện việc này với 2 mục tiêu, thứ nhất là có quỹ đất để đấu giá phát triển hạ tầng; thứ hai là để xây dựng các dự án lớn. “Như dự án Vành đai 3 dài 95km, mình làm cà rịch cà tang, làm đầu này rồi mới đền bù giải phóng mặt bằng đầu kia, giá đất tăng lên rất cao. Không thể làm song song được, phải tách ra thành dự án độc lập và làm trước”, Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận