Triển khai tiếp hay chấm dứt hợp đồng?
Dự án BOT cầu Bình Triệu 2 giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2004, do Cienco 5 làm chủ đầu tư. Đến năm 2008, UBND TP HCM cho phép triển khai giai đoạn 2 và giao Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông TP HCM (Công ty CII) làm chủ đầu tư.
Dự án bao gồm các hợp phần như: Nâng cấp mở rộng QL13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước; sửa chữa cầu Bình Triệu 1; mở rộng đường Nguyễn Xí và xây dựng nút giao thông ngã năm đài Liệt sĩ; mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30m; hoàn trả chi phí đầu tư mà Cienco 5 đã thực hiện. Thế nhưng, đến năm 2010 Công ty CII mới chỉ hoàn thành xây cầu Bình Triệu 2 và sửa chữa cầu Bình Triệu 1 và cũng đã thu phí hoàn vốn.
Đến năm 2018, UBND TP HCM và Công ty CII ký hợp đồng BOT về dự án cầu đường Bình Triệu 2 trên cơ sở điều chỉnh hợp đồng cũ, với các hạng mục chưa được thực hiện gồm: Mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30m; xây dựng nút giao thông Đài Liệt Sỹ; mở rộng cầu Ông Dầu trên QL13 với tổng vốn đầu tư 2.293 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB là 1.364 tỷ đồng do nhà đầu tư ứng cho địa phương trả. Công ty CII chỉ mới hoàn thành mở rộng cầu Ông Dầu trên QL13 với tổng vốn đầu tư 2.293 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, dù Công ty CII đã hoàn thành cầu Ông Dầu nhưng việc thu phí đã tạm dừng do các giai đoạn sau chưa triển khai hoàn thành và chưa đủ điều kiện thu tiếp. Thêm vào đó, theo Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội không cho phép đầu tư BOT trên đường hiện hữu nên dự án BOT cầu Bình Triệu 2 lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, triển khai tiếp sẽ không thu phí được, chấm dứt hợp đồng thì xử lý thế nào với những hạng mục nhà đầu tư đã bỏ ra.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh cho biết, hiện công tác bồi thường GPMB đã cơ bản hoàn tất, nếu dừng dự án sẽ làm tăng chi phí bồi thường và bất ổn trong nhân dân, ảnh hưởng uy tín cán bộ. Quận Bình Thạnh đề xuất nếu chấm dứt hợp đồng BOT, thành phố nên ứng vốn ngân sách để chi trả GPMB. Tuy nhiên, đề xuất này lập tức bị Sở Tài chính bác bỏ vì không đúng quy định của Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.
Nhà đầu tư sẽ chấp hành nếu thành phố dừng dự án
Tại buổi làm việc với đại diện các sở ban ngành liên quan, lãnh đạo Công ty CII cho rằng, theo quy định của hợp đồng BOT, khi xảy ra điều kiện bất khả kháng, khiến cho công tác tổ chức thu phí hoàn vốn không thể thực hiện được, UBND TP HCM phải hoàn trả cho CII các khoản chi phí đầu tư và lợi nhuận.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc đầu tư mở rộng QL13 không chỉ giải quyết bài toán giao thông cho TP HCM mà còn góp phần phát triển KT-XH tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Người dân làm việc ở TP HCM nhưng về Bình Dương mua nhà ở. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương này cần ngồi lại với nhau, bàn bạc hướng đầu tư mở rộng, TP HCM làm gì, các tỉnh làm gì, tránh tình trạng cắt chia quốc lộ ra để đầu tư theo từng địa phương một cách không đồng bộ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CII cho biết: “Nếu thành phố có chủ trương dừng triển khai dự án BOT cầu Bình Triệu 2 sẽ chấp hành. Các công việc như hoàn trả các khoản chi phí đã bỏ ra đầu tư sẽ tính toán sau”, ông Bình nói.
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, do ý kiến của các sở ban ngành khác nhau, vì vậy sở đã có văn bản báo cáo UBND TP HCM để có quyết sách hợp lý.
Nhận thấy không thể tiếp tục thực hiện dự án bằng hình thức BOT, mới đây Ban QLDA các công trình giao thông TP HCM đã trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến QL3, từ cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước bằng nguồn vốn ngân sách. Lãnh đạo Ban này cho biết, công trình dự kiến thực hiện trước năm 2023, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỷ, tiền GPMB khoảng 8.100 tỷ; còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật, dự phòng...
QL13 là trục đường quan trọng ở cửa ngõ Đông Bắc TP HCM, có chiều dài 140,5km kết nối với Bình Dương và Bình Phước. Hiện đoạn phía Bình Dương đã mở rộng lên 60m, đoạn qua TP HCM thường xuyên ùn tắc do mặt đường hẹp, dân cư đông, các xe khách liên tục ra vào bến xe miền Đông, đặc biệt là những dịp lễ Tết.Đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước dài 5,5 km nằm trong dự án BOT cầu Bình Triệu 2, được hình thành từ 15 năm trước. Ban đầu, thành phố dự kiến mở quốc lộ rộng 32m, sau đó nâng lên 53m, rồi 60m với tổng vốn đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Do không đủ vốn nên thành phố giảm xuống chỉ mở rộng 43m, tổng vốn đầu tư còn gần 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên sau nhiều năm không thực hiện được, đến nay dự án đã bị đội lên gần 10.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận