Xã hội

TP. HCM họp khẩn phòng chống dịch cúm gia cầm

26/02/2014, 16:05

Trước tình hình cúm gia cầm diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT TP. HCM đã cùng với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh tổ chức họp khẩn.

Trước tình hình cúm gia cầm diễn biến phức tạp, ngày 25/2, Sở NN&PTNT TP. HCM đã cùng với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh khẩn trương tổ chức cuộc họp để phối hợp phòng chống cúm gia cầm.  

Trước diễn biến phức tạp của cúm gia cầm, TP HCM đang nỗ lực nhiều biện pháp phòng chống
Trước diễn biến phức tạp của cúm gia cầm, TP HCM đang nỗ lực nhiều biện pháp phòng chống

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP. HCM, chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, lượng gia cầm giết mổ cung cấp cho TP khoảng trên 3 ngàn tấn gà thịt (tương đương 2,1 triệu con), vịt khoảng 900 tấn, chim cút khoảng 61 ngàn con, trứng gia cầm khoảng trên 81 ngàn quả… chủ yếu, lượng thực phẩm này được đưa vào TP từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang…

Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. HCM cho biết, giữa các Chi cục Thú y thường xuyên thông báo dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin các trường hợp mẫu dương tính với virus cúm gia cầm do người dân tại các tỉnh gửi mẫu chẩn đoán. Bên cạnh đó, Chi cục cũng thường xuyên phối hợp với Cơ quan Thú y vùng 6 trong việc kiểm soát gia cầm và dịch cúm gia cầm ở các địa phương lân cận.

Tại TP. HCM, số liệu tổng hợp từ các quận, huyện cho thấy, có 41 điểm bán gia cầm sống trái phép tại 13 quận, huyện như: quận 2, 4, 5, 7, 8, 9, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục phó Chi cục Thú y TP. HCM, những tỉnh xung quanh như Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đều xuất hiện cúm gia cầm. Vì vậy, áp lực với TP. HCM trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm rất nặng nề.

Ông Lê Minh Khánh - Phó giám đốc sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, trong thời gian qua, Tiền Giang đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm, trong đó có TP. HCM thông qua việc trao đổi thông tin về phòng chống dịch giữa các địa phương. Cũng theo ông Khánh thì lượng gia cầm mà địa phương này cung cấp cho TPHCM là không nhiều, cụ thể từ đầu năm 2014 đến nay, Tiền Giang chỉ cung cấp cho TP. HCM khoảng 2,2% trong tổng số lượng gia cầm mà TP. HCM tiêu thụ; song không vì thế mà lơ là việc phối hợp phòng chống dịch cúm gia cầm.

Ông Mai Văn Hiệp - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, công tác tuyên truyền trong phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay không nên đưa tin một chiều mà phải thông tin hai chiều; đồng thời, cần tuyên truyền cho người nuôi cách chăm sóc gia cầm, thuỷ cầm một cách an toàn nhằm phòng chống và kiểm soát tốt nhất đối với gia cầm, thuỷ cầm tại các địa phương, việc các đại phương cùng nhau phối hợp thông tin thường xuyên với nhau sẽ đảm bảo được công tác chống dịch cũng như việc kiểm soát dịch bệnh nhất là việc kiểm soát các đàn vịt chạy đồng…

Ông Hiệp cũng đề nghị, trong thời gian tới các địa phương cần thông tin kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn giữa các tỉnh trong khu vực, đồng thời cung cấp danh sách các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung an toàn dịch bệnh giữa các tỉnh trong khu vực để phối hợp kiểm tra giám sát khi tiếp nhận nguồn gia cầm, thuỷ cầm đưa vào giết mổ.

Tại buổi họp, các đại biểu cũng nhất trí phối hợp, triển khai đồng bộ và thống nhất hành động giữa các tỉnh trong khu vực để khống chế kịp thời dịch bệnh theo kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người theo quyết định số 210/QĐ-BNN-TY ngày 14/02/2014 của Bộ NN&PTNT.

Mai Văn Huyên

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.