Xã hội

TP HCM: Kỳ vọng "chính quyền đô thị"

28/04/2014, 06:56

Sau 39 năm giải phóng, TP HCM đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển này dường như đang chậm lại bởi "chiếc áo" đô thị đã quá chật.

Từ những chủ trương đột phá TP HCM đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại
Từ những chủ trương đột phá TP HCM đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại


Cơ chế “xé rào”


Sống ở Sài Gòn từ những năm 1960 đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, TS. Trần Du Lịch là người đã chứng kiến sự thay đổi đi lên của TP HCM qua nhiều giai đoạn. Theo ông, nếu như trước đây Sài Gòn được đánh giá là “Hòn ngọc viễn Đông” nhưng đó là một đô thị “bong bóng” chủ yếu tiêu thụ sản phẩm của chiến tranh. Từ sau ngày đất nước thống nhất, TP HCM từng bước trở thành nơi sản xuất hàng hóa lớn nhất cả nước.


Ở bình diện tổng quát, điều dễ thấy nhất là TP HCM từ một đô thị cũ chỉ rộng chừng 140km2 thì đến nay đã mở rộng ra 4 hướng lên tới 300km2. Hàng loạt những cây cầu lớn như: Cầu Sài Gòn 2, Thủ Thiêm, Bình Lợi, Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm kết nối Thành phố từ Đông sang Tây. Rồi những cầu Kênh Đôi, Kênh Tẻ mở rộng TP về phía Nam. Những khu đô thị như Phú Mỹ Hưng hiện đại không thua gì nước ngoài. Khu đô thị Thủ Thiêm đang trong quá trình xây dựng sẽ là động lực đưa TP HCM lên tầm quốc tế.
 

"Nếu đề án được thực hiện thì không chỉ là cơ hội để TP HCM cất cánh mà cũng là đòn bẩy đối với các đô thị xung quanh. Biết đâu nhiều đô thị khác trong cả nước cũng sẽ xây dựng chính quyền đô thị để đưa đất nước phát triển nhanh hơn”.

 

TS. Trần Du Lịch

Còn PGS.TS. Nguyễn Trọng Hoà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM thì đánh giá sự phát triển của TP trong 39 năm qua còn là “đòn bẩy” đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khu vực Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An… phát triển hơn hẳn ngày xưa với đường sá rộng hơn, nhà cửa to đẹp hơn.

Yếu tố đưa đến sự phát triển vượt bậc của TP HCM theo TS Trần Du Lịch đó là trong cơ chế quản lý với nhiều chủ trương được coi là “xé rào”. Từ chủ trương kêu gọi đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT đã có ý kiến cho rằng ông xúi Nhà nước “bán đường”. Thế rồi những cầu Phú Mỹ, Bình Triệu, Xa lộ Hà Nội, QL1… được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Hay như chủ trương đổi đất lấy hạ tầng đã đưa đến cho Thành phố một con đường Nguyễn Văn Linh rộng thênh thang cùng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại. Chủ trương phát hành trái phiếu đô thị để đầu tư đường Nguyễn Tất Thành lúc đầu cũng có những ý kiến trái chiều thì chỉ sau 3 năm đã thu hồi vốn. Và rồi các hình thức đầu tư này hiện đã được triển khai rộng rãi trên khắp cả nước, cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng giao thông.
 

Cần những cơ chế đột phá tiếp theo để TP HCM cất cánh
Cần những cơ chế đột phá tiếp theo để TP HCM cất cánh


Động lực cho sự phát triển


Tuy vậy, nếu nhìn một cách sâu xa hơn thì sau 39 năm đất nước thống nhất, sự phát triển “nóng” của TP HCM đã đưa đến những hệ lụy. Tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, các quận huyện đã trở thành rào cản với sự phát triển toàn diện của TP HCM. Nhiều người ví rằng TP HCM đang khoác một “chiếc áo” quá chật. Chủ trương xây dựng “chính quyền đô thị” vì vậy đã được TP TP HCM nghiên cứu từ nhiều năm qua.


TS. Trần Du Lịch là một trong những người tham gia soạn thảo đề án xây dựng “chính quyền đô thị” TP HCM cho biết, theo đề án TP HCM sẽ phát triển các đô thị vệ tinh - Thành phố trong thành phố. Ngoài 13 quận nội thành cũ (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú) và 3 huyện ngoại thành. TP HCM sẽ lập 4 thành phố mới là TP Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, có trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm. TP Nam gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và điều chỉnh một phần diện tích của quận 8 (phần phía Nam Kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh. TP Bắc sẽ gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn. TP Tây gồm quận Bình Tân hiện nay, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh.


Về kết cấu hạ tầng, quy hoạch chung của TP HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng có một sự đột phá. Cụ thể, sẽ xây dựng 4 tuyến đường đô thị trên cao, 6 tuyến metro và 19 cầu vượt sông. Bên cạnh đó, các tuyến đường Vành đai số 2, số 3, số 4, hệ thống đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành; trục TP HCM - Mộc Bài; trục TP HCM - Trung Lương - Cần Thơ… sẽ kết nối TP HCM với các đô thị xung quanh.


Theo ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP HCM, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn bạc thống nhất về đề án “chính quyền đô thị”. Tuy nhiên, nhìn ở bình diện tổng quát, nếu đề án được áp dụng thì sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của Thành phố trong tương lai không xa. Còn GS.TS. Nguyễn Thị Cành (ĐH Kinh tế Luật TP HCM) cho rằng: “Chính quyền đô thị” hướng tới lấy lợi ích của người dân là chính thì sẽ huy động được sức dân đóng góp vào sự phát triển đi lên của thành phố trong tương lai”.

Phan Tư

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.