Phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh gây kẹt xe nghiêm trọng tại trung tâm TP HCM |
Đang trình xin ý kiến thành phố
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 7/1, một lãnh đạo Sở GTVT TP HCM (xin được giấu tên) cho biết, những nội dung báo chí nêu về các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, nhất là việc cấp quota phương tiện đăng ký mới những ngày qua không mới. Theo lời vị này, từ tháng 10/2014, Bộ GTVT có Văn bản 131000 yêu cầu các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải trên địa bàn nên Sở GTVT mới có Văn bản 10513 để báo cáo UBND TP HCM việc thực hiện các giải pháp này.
Theo Đề án Sở GTVT báo cáo UBND TP HCM, các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân có một số giải pháp đáng lưu ý như: tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại phương tiện cá nhân, tăng phí trước bạ phương tiện cá nhân đăng ký mới, tăng phí đăng ký phương tiện cá nhân đăng ký mới, thu phí môi trường (người sử dụng phương tiện cá nhân phải trả cho việc sử dụng phương tiện cá nhân gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn...). |
Vị lãnh đạo này cho biết, trong Đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2025” (Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, kết luận đạt yêu cầu và đủ điều kiện xem xét, phê duyệt và Thường trực UBND Thành phố thông qua tại buổi họp ngày 22/7/2013), ngoài việc đề xuất kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2025, còn đề xuất một số giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Hiện tại, thành phố mới tăng cường phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng ở các khâu như: Đầu tư thêm xe buýt, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, đầu tư hệ thống metro… còn giải pháp hạn chế xe cá nhân, đến nay vẫn chưa thực hiện.
“Ngay cả đề xuất thu phí phương tiện khi vào trung tâm thành phố cũng đưa ra bàn thảo nhiều lần nhưng đến nay vẫn đang trình xin ý kiến của UBND thành phố chứ chưa thực hiện được. Các giải pháp như tăng thuế, tăng phí, cấp quota phương tiện đăng ký mới… vẫn đang trình xin ý kiến UBND thành phố”, vị lãnh đạo này nói.
Đề án cũng nêu sẽ cấp quota phương tiện đăng ký mới. Việc cấp quota có giới hạn là để phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng hàng năm của thành phố. Vì vậy, TP HCM chỉ cho cấp đăng ký phương tiện cá nhân ở mức giới hạn/năm. Đề án cũng đề xuất đấu giá để được sở hữu phương tiện cá nhân và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe. Tại khu vực nội đô, điều kiện để sở hữu xe ô tô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe…
Tắc đường ở TP HCM do lượng phương tiện cá nhân quá lớn |
Cần thiết
Trao đổi với PV Báo Giao thông về đề xuất của Sở GTVT TP HCM, chiều 7/1, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô cho biết, đây là việc làm rất cần thiết để hạn chế xe cá nhân, nhất là ôtô đang gia tăng tại các đô thị lớn ở nước ta. Theo ông Thanh, các giải pháp Sở GTVT TP HCM đưa ra như quy định số lượng phương tiện được cấp có giới hạn trên cơ sở phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng hàng năm (quota), điều kiện để cá nhân sở hữu ôtô là phải chứng minh được có chỗ đỗ,... đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu.
“Anh bỏ tiền ra mua ôtô thì phải chứng minh được nơi gửi ở đâu? Đỗ ở chỗ nào? Chứ mua xe mà không có chỗ đỗ mà để đầy đường cản trở giao thông là không thể chấp nhận được. Quan điểm của tôi là ủng hộ đề xuất của Sở GTVT TP HCM. Bởi đây là những giải pháp rất thực tế để hạn chế phương tiện cá nhân”, ông Thanh nhấn mạnh.
Singapore tăng giá Giấy phép lưu hành phương tiện Hôm qua (7/1), Singapore tăng giá Giấy phép lưu hành phương tiện giao thông (Certificate of Entitlement - COE). Trong đó, COE cho: 704 xe loại A (dưới 1,6L) có giá 66.010 đô-la Singapore (SGD)/xe tăng cao so với mức giá 65.889 SGD chốt ngày 17/12 năm ngoái. 571 xe loại B (trên 1,6L) tăng từ 74 nghìn SGD lên 75.289 SGD/xe. 156 xe loại C (xe chở hàng và xe khách) tăng mạnh nhất với từ 73.990 SGD lên 75.200 SGD/xe. 321 xe mô-tô tăng từ 4.312 SGD lên 4.403 SGD/ xe. Ngoài ra tại Singapore, mỗi khu vực chỉ được cấp một số lượng chỗ đỗ xe nhất định. Muốn mua ô tô thì phải có giấy chứng nhận sở hữu bãi đỗ xe. Chi phí cho mỗi chỗ đỗ cũng không rẻ, bao gồm chi phí ban đầu gần 200 nghìn USD và chi phí thường niên. Minh Hồng |
TS Phạm Sanh - chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng cho biết, thời gian gần đây, do nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, số lượng ô tô cá nhân tăng nhanh hiện tượng kẹt xe xảy ra thường xuyên tại TP HCM. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trước đây là tập trung vào bốn nhóm giải pháp lớn như: Phát triển hiệu quả đồng bộ hệ thống giao thông công cộng; khai thác tốt nhất năng lực hệ thống hạ tầng giao thông hiện có và phát triển giao thông tĩnh; từng bước hạn chế xe cá nhân theo lộ trình thích hợp; áp dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống giao thông thông minh vào quản lý khai thác.
“Các giải pháp của Sở GTVT tham mưu cho UBND Thành phố cũng xoay quanh các nội dung đề án của Bộ GTVT phát triển hài hòa các phương thức vận tải. Nhưng nhìn chung có vẻ thiên về các biện pháp hành chính và kinh tế, không chú trọng các biện pháp chuyên môn kỹ thuật. Nặng về hạn chế xe cá nhân, nhẹ về phát triển hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng”, TS Sanh nói.
Cũng theo TS Sanh, muốn giải quyết chuyện kẹt xe TP cũng phải giải quyết căn cơ ba vấn đề cơ bản, đó là: Phát triển hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông công cộng và kiểm soát tốt quy hoạch đô thị.
Chia sẻ kinh nghiệm hạn chế xe cá nhân, anh Quốc Anh (hiện đang công tác ở Nhật Bản) cho hay, ở Nhật Bản lúc làm thủ tục đăng ký xe, cảnh sát cũng yêu cầu phải có bản đăng ký chỗ đậu xe do ủy ban cấp trước mới được. Còn anh trai mình ở Việt Nam thì nhà ở trong hẻm vẫn đòi mua ô tô.
Anh Chí Linh (nhà ở quận 7) cho biết, việc làm này là cần thiết, tuy nhiên cần có lộ trình để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng tốt lên, có phương tiện đi lại thuận tiện, lúc đó dứt điểm hạn chế phương tiện cá nhân.
Nhóm P.V
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận