6 nhóm nguyên nhân gây ngập
Ngày 1/7, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đã tổ chức hội thảo "Làm rõ kết quả triển khai nhiệm vụ giảm ngập nước 5 năm qua và giải pháp cho giai đoạn 2021-2025”, phân tích các nguyên nhân gây ngập tại TP.HCM.
TS Dư Phước Tân, Trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, 6 nhóm nguyên nhân gây ngập, nhóm nguyên nhân được chấm điểm cao nhất “do nhận thức kém của người dân” với 5,93 điểm (thang điểm 7). Tiếp theo là công tác quy hoạch (5,56 điểm), công tác quản lý (5,51 điểm), điều kiện tự nhiên (5,45 điểm), thiếu vốn đầu tư (5,45 điểm), thực thi quy hoạch kém (5,23 điểm).
Dự đoán trong 5 năm tới, nguyên nhân ngập tại TP.HCM do nhận thức kém của người dân vẫn được đánh giá cao nhất (5,86 điểm), tiếp theo là điều kiện tự nhiên (5,63 điểm).
Kết quả này do 22 chuyên gia gồm các nhà khoa học, đại diện các Sở ngành, chuyên gia độc lập,…chấm điểm, sử dụng phương pháp Linkent dựa trên bộ tiêu chí đánh giá nguyên nhân ngập do nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển đưa ra.
Theo Viện nghiên cứu phát triển, nhóm nguyên nhân nhận thức kém của người dân được thể hiện qua hai tiêu chí là việc lấn chiếm vỉa hè, làm bít miệng cống thoát nước và xả rác miệng cống, xả rác xuống kênh rạch. Từ hiện trạng này, Viện nghiên cứu phát triển đề xuất 33 nhóm giải pháp giảm ngập trong giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, để tăng cường nhận thức người dân, TS Tân đề xuất cần xây dựng và ban hành quy chế xử phạt nặng với người dân vi phạm lấn chiếm kênh rạch và hệ thống thoát nước.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất thành lập thí điểm Thanh tra chuyên ngành thoát nước và tích cực xử phạt qua camera với người dân đổ dầu mỡ, thức ăn thừa xuống cống gây đông cứng và tắc nghẽn dòng chảy.
Khó xử lý hành vi lấn chiếm kênh, rạch
Ông Lê Hồng Hải, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12, TP.HCM đồng tình với TS Tân. “Việc xả rác của người dân đã ăn sâu vào thói quen sinh hoạt, rất khó bỏ. Chính quyền cần có biện pháp mạnh, thông qua chế tài xử phạt, không thể chỉ là tuyên truyền, vận động vốn không hiệu quả.
Cách đây hơn 10 năm, chúng ta phạt thật nặng những người không đội mũ bảo hiểm khi đi đường, sau đó dần hình thành thói quen. Giờ ra đường người nào không đội mũ bảo hiểm ai nhìn vào cũng thấy kỳ dị, chẳng giống ai. Xử lý hành vi xả rác, chất thải cũng cần làm mạnh tay như vậy”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng nêu khó khăn khi xử lý hành vi lấn chiếm kênh rạch. “Quyết định 22 quy định về hành lang bảo vệ kênh rạch cho phép các công trình xây dựng trước tháng 6/2004 được phép tồn tại, nên chúng tôi rất khó xử lý”, ông Hải nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận