Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP.HCM chiều 27/6 |
Chiều 27/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Đồng thời nghe các kiến nghị về cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cùng lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương tham gia buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo TP.HCM.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá TP.HCM có vai trò đầu tàu về kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cả nước. Trong nhiều năm qua, TP.HCM luôn đóng góp 22% GDP và 30% ngân sách cho cả nước. Trong 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, TP.HCM luôn đi đầu trong đổi mới, đặc biệt là vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương phải có những đóng góp tích cực, xử lý các kiến nghị về cơ chế chính sách của TP.HCM.
“Chúng ta phải tạo những điều kiện về cơ chế chính sách để TP.HCM phát triển chứ không phải để "trói" sự phát triển của TP. Tiền chúng ta không có chứ cơ chế mà vận dụng được cho TP phát triển thì phải tạo điều kiện tối đa”, Thủ tướng chỉ đạo.
TP.HCM kiến nghị nhiều cơ chế chính sách để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông |
Sau khi báo cáo các kết quả về kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP kiến nghị 7 điểm về cơ chế đặc thù để TP.HCM phát triển.
Cụ thể, về phân cấp, ủy quyền, TP.HCM kiến nghị phân cấp mạnh cho TP thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành – lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù. Chẳng hạn về lĩnh vực phí và lệ phí, TP đề xuất được thí điểm quy định một số khoản thu, khoản chi và lệ phí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương như phí xăng dầu, phí môi trường, phí sử dụng bất động sản và chuyển nhượng bất động sản.
Ông Phong cũng mong muốn Thủ tướng cho phép UBND TP phân cấp cho UBND quận, huyện thực hiện kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nhà chung cư bị nguy hiểm, đảm bảo hoàn thành trước 31/12/2016.
Về cơ chế đặc thù, TP.HCM đồng ý giữ nguyên tỷ lệ phần trăm để lại cho ngân sách TP như hiện nay (23% kể từ năm 2017) nhưng kiến nghị Chính phủ giữ ổn định tỷ lệ này trong vòng 10 năm nhằm tạo điều kiện để TP chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính trung – dài hạn.
Về tổ chức bộ máy, TP.HCM xin được phép thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP trên cơ sở tổ chức lại Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng, ông Phong đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai, trong đó ưu tiên tuyến Vành đai 3 kế nối cao tốc Bến Lức – Long Thành với QL22, đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đường trên cao và một số đường hướng tâm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận