6 tháng phạt nguội 29 tỷ
Ngày 19/6, thông tin với báo chí, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thanh tra sở đã ứng dụng rất thành công việc xử phạt nguội xe quá tải tại TP.HCM.
Đây cũng là địa phương đầu tiên trong nước thí điểm xử phạt nguội xe quá tải.
Ông Lâm cho biết, thông thường, để xử lý các xe vi phạm phải yêu cầu dừng xe, cân và xử phạt tại chỗ. Với việc xử phạt nguội, các phương tiện đi qua sẽ được lưu trữ dữ liệu, nếu vi phạm, thanh tra sở sẽ gửi phiếu báo, mời người vi phạm lên xử phạt.
Sau 6 tháng thí điểm, có hơn 2.000 chủ xe bị lập hồ sơ vi phạm, gần 660 trường hợp đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tổng số tiền dự kiến xử phạt vi phạm hành chính là khoảng 29 tỷ đồng.
Trong số này, có nhiều trường hợp bị phạt trên 200 triệu, do phạt cả chủ xe và lái xe.
Ông Lâm nói thêm, khi thực hiện việc xử phạt với số tiền rất lớn, bản thân ông rất đắn đo. Thanh tra sở cũng cho biết, nhiều trường hợp người vi phạm lên năn nỉ, bày tỏ phải thế chấp tài sản, nhiều người phải bán xe để đóng phạt.
Tuy nhiên, có những vi phạm có tính nguy hiểm cao nên Chính phủ đã đưa ra mức xử phạt rất nặng để răn đe.
Điều đáng mừng là sau vài tháng thí điểm, số lượng phương tiện vi phạm giảm đến 91%. Theo ông Lâm, đây là điều mà Sở GTVT mong mỏi nhất. Bởi lẽ, thông qua việc xử phạt nguội, ý thức của người tham gia lưu thông đã thay đổi rõ rệt, hành vi vi phạm cũng được thay đổi.
Điều này không chỉ góp phần đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, mà còn giảm nguy cơ tai nạn, tăng ý thức cho người cầm lái và chủ doanh nghiệp.
"Hiện nay, dù tỷ lệ xe vi phạm đã giảm mạnh nhưng chúng tôi vẫn muốn tuyên truyền, nhắc nhở để người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện chấp hành quy định. Nếu không chấp hành, nguy cơ tai nạn sẽ rất cao hoặc sẽ bị xử phạt nặng", ông Lâm nói.
Dự án giao thông linh hoạt
Ông Lâm cho biết thêm, hiện nay, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đang triển khai dự án giao thông linh hoạt. Trước mắt, triển khai tại các trục dùng công nghệ mới để tối ưu hóa giao thông tại một số đoạn.
Hiện nay, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đang chọn kịch bản để tự động điều hành giao thông. Khi ứng dụng giao thông linh hoạt, đơn vị sẽ đo lưu lượng, phân tích tình hình xe cộ, đưa ra các kịch bản để áp dụng thời lượng đèn ở các nút giao thông nhằm tối ưu hóa dòng xe.
"Ví dụ, khi đổ gạo xuống phễu, nếu đổ nhanh thì gạo sẽ bị nghẹt lại ở ống phễu, còn nếu đổ từ từ, gạo sẽ chảy đều xuống phễu. Mạng lưới giao thông cũng vậy, nếu được tối ưu hóa, trong một thời gian phương tiện sẽ có thể lưu thông được nhiều nhất", ông Lâm phân tích.
Theo ông Lâm, đây cũng là cách giải quyết câu chuyện giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian tới, khi nhà ga T3 đưa vào khai thác.
Theo đó, các đơn vị sẽ làm các vành đai ảo trên hệ thống để điều khiển xe cộ từ xa. Khi khu vực sân bay đông xe, thời lượng đèn giao thông ở các khu vực lân cận sẽ tăng lên để tăng thời gian giữ xe.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đang nghiên cứu làm đường trên cao từ trục QL22 - Trường Chinh nối qua sân bay Tân Sơn Nhất - đường Phạm Văn Đồng; Nghiên cứu điều chỉnh hướng đường sắt đô thị, từ quận Gò Vấp băng qua gần nhà ga T2 hiện nay, nối qua metro số 2 - đường Trường Chinh để giải quyết sân vấn đề giao thông khu vực sân bay bằng metro.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận