Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, khoảng 15h30, một số khu vực ở quận: Tân Bình, 3, 5, 8, 10... có mưa lớn kèm theo mưa đá. Những viên đá có kích thước từ hạt đậu đến hạt nhãn, rơi lộp độp trên mái nhà và mặt đường trong khoảng 10-15 phút và tan nhanh trong nước mưa.
Clip mưa đá tại TP.HCM chiều 14/6. Thực hiện: Mỹ Quỳnh
Anh Đặng Phương, một người chạy ô tô trên đường Võ Văn Tần, quận 3 cho biết: "Đường tôi đi qua có nhiều hàng me. Ban đầu nghe lộp bộp rất mạnh trên mui cứ tưởng trái me rụng trong mưa. Lát sau mới thấy những hạt mưa đá quất vào kính chắn gió".
Cũng theo anh Phương, hai bên đường người dân đổ xô đứng dưới hàng hiên thích thú quay hiện tượng hiếm có ở TP.HCM này.
Chiều nay, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok... cũng tràn ngập những hình ảnh và video về cơn mưa đá.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Đặng Minh (ngụ quận 3) cho biết, trên đường từ quận Tân Bình về quận 3, anh gặp cơn mưa lớn. Chỉ ít phút sau khi mưa, anh thấy trên thành ô tô có nhiều tiếng lộp độp.
"Ngồi trong ô tô nghe tiếng đá rơi vào xe, ban đầu chỉ vài cục, sau đó dày hơn. Nguyên đoạn đường từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu - Cao Thắng đều có mưa đá. Dù không bị đá rơi trúng người nhưng cũng hơi xót xe, may mà không bị xước", anh Minh nói.
Trong khi đó, chị Mỹ Linh (quận 10) cho biết, chị đi đón con về giữa đường thì gặp mưa lớn nên tấp vào đường lấy áo mưa ra mặc cho hai mẹ con. Thế nhưng, vừa mặc áo mưa vào thì thấy đá rơi xuống nhiều. Sợ nguy hiểm, chị tấp hẳn vào lề, ghé vào nhà dân bên đường xin tá túc tạm.
"Mưa đá cũng thích nhưng nguy hiểm, tôi ghé vào lề đường trú mưa, khi nào hết mưa mới đi. Tranh thủ khi trú mưa tôi nhặt đá cho con xem, cháu rất thích", chị Linh nói.
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ cho biết, thỉnh thoảng sẽ có xuất hiện mưa đá. Dù hiện tượng này hiếm xảy ra, nhưng hằng năm cũng vẫn xuất hiện 1-2 trận. Điều kiện để hình thành mưa đá là nhiệt độ và độ ẩm cao, đối lưu rất mạnh, thường có mây đối lưu, phát triển lên cao hàng chục km, thậm chí vượt qua đối lưu hạn, hạt nước ngưng kết, thành đá, rơi xuống.
Theo ông Quyết, mưa đá rất nguy hiểm, hạt kích thước lớn có thể gây thủng mái tôn, làm dập nát cây hoa màu, vỡ kính nhà cửa, ô tô. Nếu hạt mưa đá to rơi vào người thì rất nguy hiểm, gây thương tích.
Trước đó, Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ dự báo, thời tiết TP.HCM ngày 14/6 có nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to và dông.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong vòng ba giờ, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ảnh radar thời tiết và định vị sét cho thấy vùng mây dông đang phát triển và gây mưa kèm dông, sét trên khu vực Cần Giờ, Bình Chánh, Huyện Nhà Bè, quận 7, quận 8, quận 1 và các quận trung tâm, thành phố Thủ Đức.
Trong vòng ba giờ tới, mây dông tiếp tục phát triển, gây mưa rào, kèm theo dông, sét cho các khu vực các quận huyện trên, sau mở rộng ra các khu vực lân cận khác. Lượng mưa phổ biến từ 5-20mm, có nơi trên 20mm. Trong cơn dông đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh khoảng cấp 5-7 (8-17m/s).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận