Sở GTVT TP.HCM vừa đưa ra phương án về việc hạn chế xe khách vào trung tâm thành phố nhằm xóa bỏ tình trạng “xe dù, bến cóc”. Đề xuất này nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ, PV Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM về vấn đề này.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM.
Vì sao cấm xe khách giường nằm vào trung tâm?
Thưa ông, Sở GTVT TP.HCM vừa đưa ra 2 phương án hạn chế xe khách vào trung tâm thành phố, vậy Sở GTVT chọn phương án nào và đã chuẩn bị những gì cho phương án này?
Ông Võ Khánh Hưng: Sở đưa ra 2 phương án nhưng chọn phương án 1 là từ năm 2022 đến năm 2025 hạn chế xe khách giường nằm (các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi thành phố ban hành). Thời gian hạn chế từ 6h - 22h hàng ngày.
Giai đoạn 2, từ năm 2025 đến năm 2030, hạn chế xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi thành phố ban hành).
Khi chọn phương án 1, Sở GTVT đưa ra vành đai để hạn chế, chúng tôi sẽ đề xuất vành đai này sẽ giống như vành đai mà hiện nay đang cấm xe tải vào nội đô TP.
Đường vành đai cấm xe tải vào cụ thể là các tuyến đường QL1, Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh.
Trong giai đoạn 1, Sở tạo điều kiện cho xe khách sử dụng ghế ngồi vận chuyển học sinh, sinh viên, công nhân và vận chuyển khách du lịch, hợp đồng và một số trường hợp đặc biệt hoặc công vụ khác vào trung tâm thành phố.
Giai đoạn 2 tạo điều kiện cho xe khách dưới 30 chỗ lưu thông vào trung tâm thành phố.
Nhiều ý kiến cho rằng Sở GTVT nên “cấm” luôn xe khách vào trung tâm thay vì “hạn chế”, ông có ý kiến gì?
Ông Võ Khánh Hưng: Quan điểm của Sở GTVT về lâu dài cấm xe khách vào trung tâm thành phố. Tôi cho rằng việc cấm xe khách không vào nội đô thành phố góp phần cho việc hạn chế lưu thông ở trong thành phố, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Việc này dần xóa bỏ tình trạng xe dù bến cóc, đón trả khách sai quy định.
Khi cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, giao thông công cộng, xe buýt metro còn hạn chế, thành phố phải giải quyết câu chuyện xe trung chuyển, đi lại cho người dân như thế nào, nhất là đối với những bến ở xa trung tâm như bến xe Miền Đông mới, bến xe Miền Tây…?
Ông Võ Khánh Hưng: Tôi khẳng định hiện nay các bến xe đều có các xe buýt kết nối vào thành phố, rồi các loại hình khác như taxi, grab cũng rất nhiều. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tính toán để bổ sung các tuyến xe buýt vào các bến xe liên tỉnh và trong tương lai gần các loại hình như metro mà trước mắt là tuyến metro số 1 sẽ thực hiện được việc chuyên chở hành khách từ trung tâm TP đến bến xe Miền Đông mới.
Về xe trung chuyển, sẽ tùy vào chiến lược kinh doanh của các đơn vị vận tải. Thực tế có những đơn vị có hành vi khi dùng xe trung chuyển, tạm gọi là “trá hình” để vận chuyển luôn hành khách. Việc này cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm.
Dẹp xe dù, bến cóc như "bắt cóc bỏ dĩa"!
Thành phố còn tồn tại 107 điểm hoạt động đón, trả khách sai quy định, trả khách trước trụ sở, bãi xe, dọc đường… Vậy vì sao Sở GTVT không dẹp được các điểm trên mà phải đưa ra giải pháp “cấm” xe khách vào nội đô, thưa ông ?
Ông Võ Khánh Hưng: Thời gian qua, thanh tra Sở GTVT, lực lượng công an, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra xử lý. Tuy nhiên đối tượng lập ra các điểm sai quy định này họ cũng rất tinh vi, luôn xem “động tĩnh” của lực lượng chức năng để đối phó.
Các đơn vị phối hợp thực hiện ra quân, tuyên truyền, nhưng việc này kết quả chưa cao, còn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” xong đâu vào đó. Một mặt chúng tôi đưa ra hàng loạt các giải pháp như cấm xe khách nội đô thành phố, bên cạnh đó tăng cường kiểm tra xử lý và trong việc kiểm tra xử lý thì cũng cần tính toán hiệu quả hơn, linh hoạt hơn.
Theo tôi linh hoạt hơn là gắn camera để xử phạt nguội. Hiện nay việc đầu tư gắn camera chỉ có một số vị trí có. Do đó, công tác kiểm tra xử lý tăng cường phối hợp, trách nhiệm của các đơn vị và đặc biệt là chính quyền địa phương sát sườn nhất trong các hoạt động tại địa phương mình.
Nhà xe Cúc Phương chạy tuyến Sài Gòn - Đồng Nai đón trả khách sai quy định tại cây xăng 490E Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh. Ảnh Đỗ Loan
Sở GTVT TP.HCM đã đưa ra một loạt các giải pháp trước đó như cấm xe tải, cấm xe khách trên 25 chỗ từ 6h - 22h trên nhiều tuyến đường như Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn, Vĩnh Viễn… nhưng hiệu quả không cao. Vậy lần cấm này liệu có khả thi không? Có giảm được ùn tắc, xóa được các bến cóc, xe dù ?
Ông Võ Khánh Hưng: Để giảm ùn tắc, hạn chế xe dù bến cóc, Sở GTVT đã đưa ra hàng loạt các giải pháp trong đó có việc lắp camera giám sát xử phạt nguội, gắn biển cấm trên nhiều tuyến đường hạn chế xe khách dừng đỗ. Ở một số tuyến đường việc này phát huy tác dụng, tình trạng đậu đỗ tràn lan giảm đi, nếu có tình trạng cố ý đậu thì sẽ bị CSGT ghi hình xử phạt nguội.
Đơn cử như đường Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh (quận 5), Đinh Bộ Lĩnh, QL1… từ khi có camera xử phạt nguội, hành vi đậu đỗ lòng đường giảm đáng kể.
Theo tôi việc cấm xe khách giường nằm vào nội đô thành phố sẽ giảm được các điểm lập vị trí đón trả khách trên đường, giảm việc xe khách lưu thông trên đường, giảm ùn tắc giao thông, TNGT. Đặc biệt là tạo sự kinh doanh vận tải bình đẳng, công bằng đi vào nề nếp, chịu sự kiểm soát của nhà nước.
Về quy định khi cấm các loại hình này thì dứt khoát các xe này không được vào nội đô thành phố. Tuy nhiên, họ cố tình bất chấp các quy định thì họ phải chịu trách nhiệm trước các hành vi vi phạm pháp luật về luật giao thông đường bộ.
Xe khách lập những điểm đón trả khách ngay trung tâm thành phố gây mất an toàn. Ảnh Đỗ Loan
Không tiếp tục để cho các doanh nghiệp làm sai
Thưa ông, việc cấm xe khách vào trung tâm có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và sự đi lại của người dân không ?
Ông Võ Khánh Hưng: Tôi cho rằng việc cấm này không ảnh hưởng đến doanh nghiệp vì nếu không cấm mà cứ để doanh nghiệp tự hoạt động dưới hình thức đón trả khách ở các vị trí không đúng quy định là họ đang làm sai, không những vậy còn gây mất an toàn giao thông, mỹ quan và trật tự đô thị…
Việc đi lại của người dân cũng không ảnh hưởng gì vì đã có các bến xe rồi, muốn đi đâu đều có thể ra bến xe. Khi người dân không vào bến, ra một số trạm điểm đón ngoài đường, vô tình đã gián tiếp tiếp tay cái sai cho các doanh nghiệp đó.
Nếu rơi vào ngày lễ Tết, tình trạng nhồi nhét khách, không đảm bảo các điều kiện vận tải, hành khách là người chịu thiệt thòi. Việc này cần phải dẹp, tuy nhiên ngay lập tức dẹp các loại hình vận tải xe khách sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Trước mắt, Sở có nghiên cứu cấm xe khách giường nằm vì chủ yếu là xe khách đi tỉnh. Và sau khi thực hiện xong, ở giai đoạn sau sẽ nghiên cứu để tiếp tục cấm xe khách trên 30 chỗ trở lên.
Chúng tôi đã nghiên cứu và phối hợp cơ quan chức năng, nếu cấm xe khách trên 30 chỗ phải loại trừ các đối tượng ưu tiên như là xe buýt, công vụ… Những xe này chạy vào trung tâm khi đó phải có ý kiến của các sở ngành. Về mặt quản lý, chúng tôi thấy không quá lo lắng vấn đề này.
Có ý kiến cho rằng, cấm xe khách nhưng sẽ nhiều xe nhỏ, đặc biệt là xe trung chuyển, xe cá nhân chiếm diện tích mặt đường thì bài toán ùn tắc vẫn không chuyển biến, ông có ý kiến gì?.
Ông Võ Khánh Hưng: Vấn đề ùn tắc có nhiều yếu tố không phải do xe to hay xe nhỏ, tùy tình hình để xử lý, nhà xe sẽ tự cân đối để biết việc đầu tư xe trung chuyển cho hợp lý.
Cần hiểu rằng không phải ùn tắc giao thông là do xe khách hết, chúng ta không lo ngại cấm xe khách rồi mà cho xe trung chuyển hoạt động thì sẽ gây ùn tắc thêm. Cơ quan quản lý nhà nước và bản thân doanh nghiệp sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp.
Tình trạng ùn tắc ở đây là bài toán tổ chức giao thông ở diện rộng chứ không phải chỉ ở xe khách. Muốn và hạn chế xe cá nhân không còn cách nào khác phát triển giao thông công cộng. Chúng ta phát triển các loại hình xe buýt, tăng cường tuyến xe buýt, phát triển vận tải hành khách công cộng sức chở lớn như metro.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận