Thi công nút giao Mỹ Thủy, một nút giao quan trọng trên vành đai 2 phía Đông |
Tuyến vành đai 2 TP.HCM được phê duyệt có chiều dài 70km, quy mô 6 làn xe đi qua các khu vực như: Ngã tư Gò Dưa - Ngã tư Bình Phước - Ngã tư An Sương - An Lạc - Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ngã tư Bình Thái - kết nối tại nút giao Gò Dưa. Trong khi ở phía Bắc từ nút giao Gò Dưa đến An Lạc trùng với QL1 đã được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu lưu thông của các phương tiện từ miền Bắc đến miền Tây thì ở phía Đông vẫn còn một số đoạn chưa khép kín. Cụ thể, từ nút giao An Lạc đến Nguyễn Văn Linh, từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái tới Phạm Văn Đồng đến ngã tư Gò Dưa.
Theo Sở GTVT TP.HCM, để khép kín các đoạn còn lại cần nguồn vốn khoảng trên 15.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, để đảm bảo kêu gọi đầu tư, thành phố đã chia ra thành 4 đoạn. Cụ thể đoạn từ cầu Phú Hữu (Q.9) đến nút giao Bình Thái, bao gồm nút giao thông Bình Thái đã được Công ty CP Bất động sản C.T đề xuất đầu tư. UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch đầu tư với quy mô dài 3,82km, mặt cắt ngang 67m, tổng mức đầu tư lên tới 5.732 tỷ đồng, trong đó kinh phí GPMB khoảng 4.100 tỷ đồng. Hiện, nhà đầu tư đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi theo ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết cùng với việc kiến nghị chỉ định đầu tư, thành phố cũng đã có hướng phân kỳ đầu tư các đoạn tuyến này nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện và nhu cầu khai thác. Theo đó, bề rộng của vành đai 2 tại các đoạn tuyến này là 67m, trong giai đoạn 1 chỉ đầu tư mặt đường khoảng 10m, vỉa hè 2m, lề đường 1,5m. Quỹ đất ở giữa rộng khoảng 33m sẽ được dự trữ để tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2. |
Cùng đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình 557 cũng đề xuất đầu tư đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng. UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt kế hoạch đầu tư từ cuối năm 2016 với chiều dài 1,9km, mặt cắt ngang 67m. Tổng mức đầu tư cho phần xây dựng khoảng 1.052 tỷ đồng, chi phí GPMB là 842 tỷ đồng được tách thành dự án riêng. Hiện, nhà đầu tư đã nộp hồ sơ báo cáo đầu tư, Sở GTVT đang tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành liên quan.
Việc khép kín vành đai 2 được đánh giá là cấp bách đối với TP.HCM trong giai đoạn hiện nay. Theo UBND TP HCM, các đoạn tuyến của vành đai 2 thuộc danh mục công trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 và được HĐND TP giao phải khép kín từ nay đến năm 2020. Dù hiện tại mới chỉ có một đoạn được phê duyệt nhà đầu tư, nhưng có thể thấy nguồn vốn đầu tư cho các đoạn còn lại rất lớn. Trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế, việc huy động vốn theo hình thức PPP là rất cần thiết. Theo các chuyên gia, thời gian từ nay đến năm 2020 chỉ còn 3 năm, nếu không có những giải pháp tích cực thì việc triển khai sẽ gặp khó khăn.
Ngày 18/9, UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chấp thuận cơ chế chỉ định thầu nhà đầu tư theo hình thức PPP đối với các dự án cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, góp phần kéo giảm ùn tắc và TNGT trên địa bàn. Trong các công trình cấp bách này có 3 đoạn thuộc vành đai 2. Ngoài ra là các dự án bãi đỗ xe cao tầng (tại Công viên 23/9, cư xá Lý Thường Kiệt, Công viên Gia Định, bến xe buýt quận 8, Chợ Lớn, Tân Phú... Lý do UBND TP.HCM kiến nghị chỉ định nhà đầu tư với các đoạn của vành đai 2 bởi nếu theo đúng trình tự thủ tục sẽ mất rất nhiều thời gian mới khởi công được các dự án trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận