Xã hội

TP.HCM cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay sau khi nới lỏng giãn cách

16/10/2021, 21:01

TP.HCM đề xuất nghiên cứu thành lập Trung tâm phản ứng Chăm sóc sức khoẻ tinh thần sau đại dịch cho người dân.

Ngày 16/10, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025” nhằm nhận diện, dự báo các thách thức, rủi ro ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng của TP.

img

Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright dự báo tăng trưởng quý IV có thể là 3,5%

Thành lập trung tâm phản ứng chăm sóc sức khoẻ tinh thần sau đại dịch

Tại hội thảo, các chuyên gia đều đưa ra vấn đề làm sao để miễn dịch cộng đồng, để sống chung an toàn với dịch Covid-19 và đi đôi với phục hồi kinh tế. Muốn vậy, TP cần phải tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch bệnh đi đôi với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng cần trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhưng phải tăng cường năng lực y tế cơ sở trong đó vai trò mạng lưới bác sĩ gia đình là một điển hình.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, hiện TP đã mở cửa dần nền kinh tế quý IV sẽ có tăng trưởng dương. Tuy nhiên ông Thành cho rằng việc khôi phục sản xuất, kinh doanh sẽ không thể thực hiện ngay trong tháng 10 mà chỉ bắt đầu từ tháng 11.

Để phục hồi nền kinh tế, cần bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ các công trình cơ sở hạ tầng. Bởi ngay cả khi sản xuất phục hồi, nhưng đầu tư tư nhân thì thường sẽ không phục hồi nhanh. Do vậy, các dự án đầu tư công cần được đẩy mạnh giải ngân ngay sau khi nới lỏng giãn cách.

Dựa vào cơ sở đó, ông thành cho rằng nếu tăng trưởng quý IV là 3,5% thì tăng trưởng cả năm sẽ là 2,2%.

Liên quan đến việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần người dâu sau thời gian dài giãn cách, các chuyên gia đã đề xuất nghiên cứu thành lập Trung tâm phản ứng Chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người dân.

Theo đó đề xuất mô hình tiếp cận chăm sóc sức khoẻ tâm thần theo 3 mức độ: các dịch vụ phòng ngừa phổ quát cho nhóm có nguy cơ thấp - các dịch vụ phòng ngừa mục tiêu cho nhóm nguy cơ trung bình - các dịch vụ chỉ định can thiệp chuyên sâu cho nhóm nguy cơ cao.

Bên cạnh việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người dân, các chuyên gia cũng đề xuất xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động. Đây được xác định là vấn đề bức thiết và cấp bách, được đặt ra hiện nay sau đại dịch.

Như vậy tới đây TP cần ưu tiên đầu tư 3 chương trình nhà ở gồm: chương trình nhà lưu trú công nhân; chương trình giải toả, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch; chương trình nhà cho thuê dài hạn, đủ tiêu chuẩn với giá thuê hợp lý.

Ba vấn đề TP.HCM cần phải làm ngay

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, trước mắt cần làm ngay 3 biện pháp.

Thứ nhất là triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 và mở rộng hoạt động kinh tế để doanh nghiệp và người dân tự tổ chức lại sản xuất với động lực tự nhiên của “lò xo bị nén”.

Thứ hai, UBND TP.HCM cần chủ động quan hệ với các địa phương để khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, UBND TP.HCM cần chỉ đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ đưa lao động ở các địa phương trở về làm việc theo nhu cầu mở rộng hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng với đó, giao Sở Lao động -Thương binh & Xã hội nắm bắt nhu cầu lao động của doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP để có kế hoạch phối hợp với các địa phương hỗ trợ lao động quay lại làm việc.

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng cần nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công theo nguyên tắc cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước.

Riêng với TP.Thủ Đức, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng TP Thủ Đức là địa bàn đột phá về kinh tế tri thức của TP.HCM. Do đó, theo ông, TP.HCM cần tập trung phát triển khu vực phía Đông này.

Ông Nhân kiến nghị TP.HCM nên dành một gói vay ít nhất 1 tỉ USD thông qua trái phiếu dành riêng cho TP Thủ Đức trong năm nay để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế tri thức. Nếu có 1 tỉ USD này sẽ kéo thêm 5-7 đơn vị khác vào đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.