Ngày 9/8, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã trao đổi với báo chí về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm như việc xây dựng 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm, mở 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt, đầu tư các dự án phát triển giao thông trong thời gian tới…
Theo ông Lâm, một số vấn đề dư luận đang hiểu sai hoặc chưa rõ.
Cụ thể, việc thu phí ô tô vào nội đô TP.HCM mới chỉ là đề xuất của Sở GTVT đang xin chủ trương để nghiên cứu, để đi đến thực hiện thì còn rất nhiều vấn đề. Hiện nay UBND TP đang xem xét và chưa đồng ý với đề xuất này, song dư luận đã có nhiều ý kiến phản đối gay gắt.
“Nếu như được UBND TP.HCM đồng ý thì chúng tôi mới tiếp tục nghiên cứu cụ thể rồi trình HĐND TP thẩm định. Tiếp theo, nếu được HĐND thông qua mới xác định đơn vị làm chủ đầu tư, lựa chon đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và các bước tiếp theo. Dự kiến đến năm 2021, khi đường Vành đai 2, tuyến metro số 1 và tuyến BRT số 1 đi vào hoạt động, các công trình giao thông lớn hoàn thành... mới có thể thực hiện đề án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố”, ông Lâm khẳng định.
Tương tự, ông Lâm cho biết, đề án mở 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt hiện nay cũng mới ở bước báo cáo đầu kỳ. Đây là một trong những đề án trong chương trình đột phá của TP để tăng cường phát triển giao thông công cộng đến năm 2020. Hiện đề án này vẫn đang được nghiên cứu, chẳng hạn như phải đưa ra các giải pháp để không gây kẹt xe ở những tuyến đường kết nối vào hai làn đường ưu tiên; những phương tiện nào sẽ được ưu tiên; giải pháp nếu xảy ra ùn tắc.... Sau khi đề án được nghiên cứu hoàn chỉnh, Sở GTVT sẽ công bố để người dân rõ.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng thông tin về các dự án giảm kẹt xe đang được khẩn trương hoàn thành như Vành đai 2, Vành đai 3, Khu vực Tân Sơn Nhất, Cát Lái..
Ông Lâm chia sẻ: "Có nhiều người đặt câu hỏi với chúng tôi là các giải pháp đưa ra liệu có giải quyết hết ùn tắc không?. Theo tôi, không ai trả lời chính xác được câu hỏi này. Hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ được 9%, chưa đạt một nửa yêu cầu. Trong khi lượng phương tiện ngày càng tăng, mỗi năm ô tô tăng 10%, xe máy tăng 5%".
"Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm gì thì tình trạng giao thông sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Chúng ta đang học hỏi các nước những kinh nghiệm để giải quyết vấn đề kẹt xe. Hạ tầng giao thông phải đi trước, cùng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, ông Lâm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận