Mô hình 6 cống kiểm soát triều trong dự án chống ngập do triều tại TP HCM giai đoạn 1 |
Dự án sẽ xây dựng 2 cống nhỏ và 6 cống lớn để kiểm soát triều cường (có bề rộng từ 40 - 160m). Cùng đó, xây dựng 3 trạm bơm công suất lớn tại Bến Nghé, Tân Thuận và Phú Định để bơm nước ra khi vùng “lõi” bị úng ngập.
Chống ngập vùng “lõi”
Dự án chống ngập do triều cường cho TP.HCM có tổng vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) với tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng (từ năm 2016 - 2018). Mục tiêu là nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Đồng thời, dự án sẽ chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước và hỗ trợ trữ nước mưa khi triều cường xuống thấp, kết hợp chống sạt lở bờ sông và góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường.
Theo đại diện Trungnam Group (nhà đầu tư dự án), vùng dự án được giới hạn ở khu vực “lõi” TP.HCM gồm: Phía Bắc giáp với rạch Tra; Phía Nam giáp tỉnh Long An, phía Tây giáp kênh An Hạ, phía Đông giáp sông Sài Gòn và Nhà Bè, thuộc địa bàn các quận, huyện: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Thạnh và Hóc Môn. Theo đó, các đơn vị thi công sẽ xây dựng 2 cống nhỏ và 6 cống lớn để kiểm soát triều (có bề rộng từ 40 - 160m); Xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m3/s, 1 trạm bơm 24m3/s tại cống Tân Thuận, 1 trạm bơm 18m3/s tại cống Phú Định.
Để thực hiện dự án này, thành phố sẽ phải giải tỏa 324 hộ dân, hơn 1.500 người dân phải di dời. Cùng đó, sẽ thu hồi vĩnh viễn 97ha đất, thu hồi tạm thời 67ha… Sau khi dự án đi vào hoạt động, tàu thuyền vẫn qua lại bình thường thông qua khoang cửa van và âu thuyền của các cống. Thành phố sẽ xây dựng 7,8km đê kè bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh ở các đoạn xung yếu, các cống nhỏ có khẩu độ 1 - 10m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối, xây dựng nhà quản lý trung tâm cho toàn dự án và hệ thống Scada. Địa điểm xây dựng công trình thuộc địa bàn các quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự án chống ngập do triều cường cho TP.HCM giai đoạn 1 có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao. Để sớm đưa dự án vào hoạt động, thành phố sẽ thành lập tổ công tác liên ngành, hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục, đảm bảo tiến độ GPMB để bàn giao cho nhà đầu tư. Đồng thời, sẽ cử cơ quan đại diện giám sát chất lượng, tiến độ công trình. Thành phố sẽ chỉ đạo các quận, huyện thường xuyên cung cấp thông tin cho người dân.
Khả thi đến đâu?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group cho hay, để chống ngập triệt để cho TP.HCM, cần triển khai thực hiện hai Quy hoạch 752 và 1574 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Quy hoạch 752 là xây dựng hệ thống thoát nước đô thị, còn 1547 nhằm ngăn chặn triều cường. Riêng Quy hoạch 1547 (có tổng mức vốn khoảng 3 tỷ USD) trải dài hơn 60km tới Long An vì TP HCM được bao bọc bởi 3 con sông lớn gồm: Sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ. Dự án chống ngập do triều cường giai đoạn 1 chỉ là 1 phần của Quy hoạch 1547.
“Công việc của chúng tôi làm có thể ví như anh Bộ đội Biên phòng canh giữ biên ải. Khi thủy triều dâng cao, các cống sẽ đóng lại. Tổng công suất máy bơm giai đoạn 1 khoảng 96m3/s bơm nước từ trong nội thị đổ ra sông để hạ mực nước cho thành phố và các khu vực thoát nước ra. Trong trường hợp thủy triều tại các sông, kênh rút xuống mà thành phố muốn giữ lại mực nước trong nội đồng sẽ không bơm. Theo kế hoạch, dự án giai đoạn 1 có thời hạn thi công 36 tháng nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể rút ngắn còn 24 tháng”, ông Tiến nói.
Ông Phạm Văn Long, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Vina Mekong (đơn vị tư vấn thiết kế của dự án) cho biết, để chống ngập cho TP.HCM, phải có cả biện pháp công trình và phi công trình. Nhìn tổng thể, Quy hoạch 1547 đã giải quyết được những diễn biến triều dâng, nền đất yếu, lún và biến đổi khí hậu; Còn giai đoạn 1 sẽ giải quyết 100% chống ngập do triều cường trong vùng “lõi”.
Còn ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM) cho biết, trước năm 2000, công tác chống ngập ở thành phố chưa được quan tâm. Thời điểm đó, thành phố chỉ xây dựng hệ thống thoát nước ra các kênh rạch. Đến nay, đã thi công được khoảng 3.000m cống (tương đương với 50% khối lượng cống cần làm). Còn về kênh rạch, hầu như chưa được cải tạo. Đến năm 2007, triều cường dâng cao cộng với mưa lớn đã làm cho thành phố ngập nước nghiêm trọng (triều dâng 1,5m so với 1,32m của đỉnh triều trước năm 2000). Dự án này có hai nhiệm vụ chính là ngăn thủy triều và hỗ trợ thoát nước khi mưa lớn và triều cường. Còn muốn thoát nước cho khu vực, phải cải tạo hệ thống cống thoát nước với tổng chiều dài khoảng 200km, 4 kênh rạch lớn và xây dựng các hồ điều tiết…
Hiện, trên địa bàn TP.HCM có hàng chục điểm ngập nặng do triều cường và mưa lớn, điển hình như: QL13, đường Nguyễn Xí, Xô Viết Nghệ Tĩnh, D2, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Đường An Dương Vương, Ấp Chiến Lược, Mã Lò (quận Bình Tân); Lương Định Của (quận 2)… Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM), dự án giai đoạn 1 chỉ xây dựng các cống ngăn thủy triều. Do đó, nếu không mưa các điểm trên sẽ không ngập lụt. Còn nếu mưa lớn vẫn bị ngập. Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập do mưa, phải có các cống thoát nước từ nội đô. Phải tiến hành cả 2 giai đoạn mới xử lý dứt điểm tình trạng ngập nước ở các khu vực nói trên. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận