Đô thị

TP.HCM có lợi thế phát triển từ cầu Thủ Thiêm 4

18/08/2023, 19:00

Nhìn từ cầu Thủ Thiêm 4, TP.HCM sở hữu lợi thế thành phố cảng rất hiếm so với nhiều thành phố khác trên thế giới.

Hội thảo Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn được Báo Nhân dân tổ chức vào chiều 18/8.

Tại đây, có nhiều tham luận, ý kiến của chuyên gia tham gia hội thảo, đặt ra vấn đề: Với lịch sử 300 năm phát triển, TP.HCM muốn định danh mảnh đất này là gì, biểu tượng thương cảng Sài Gòn có còn giữ gìn trong tương lai hay không?... Đó là những gì TP.HCM phải tính toán trước khi bàn đến phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4.

Định hình chân dung TP.HCM của tương lai

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đặt vấn đề, nếu giữ nguyên thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 thấp thì TP.HCM sẽ làm mất đi lợi thế của một khu vực đẹp nhất để làm kinh tế ven sông, kinh tế đêm.

Theo TS Lịch, bài toán khai thác lợi thế của khu vực xung quanh cầu Thủ Thiêm 4 là không bàn đến việc làm cầu đắt hay rẻ, quan trọng là cây cầu đó làm được điều gì để TP.HCM trở thành riêng biệt.

img

Cầu Thủ Thiêm 4 kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận; vượt qua sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Nhân dân

“Lãnh đạo thành phố phải tính toán định hướng phát triển mảnh đất cảng biển này, nếu quyết định nó là chiến lược thì phải tính quy hoạch trước khi xây cầu, còn nếu xây cầu trước mới tính thì không khác gì bàn lùi”, ông Lịch nói.

Trên mảnh đất 30ha mang tính lịch sử, văn hóa, từng là thương cảng quốc tế, chiều dài cảng 1.800m, chiếm 8% diện tích quận 4 (400ha) tại vị trí cầu Thủ Thiêm 4, TP.HCM có thể trở thành trung tâm dịch vụ tàu biển có chỗ đứng trên thế giới, hay “giết chết” khu đất đắc địa này bằng cách xây lên các cao ốc, biệt thự để trở thành nơi ở của người giàu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi: TP.HCM có còn muốn giữ thương thiệu đắt giá “thành phố cảng” hay không; nên phát triển dọc theo chiều dài bờ sông hay chỉ tập trung vào các cây cầu ngang sông.

img

TS Trần Du Lịch góp ý tại hội thảo chiều 18/8. Ảnh: Nhân dân

Theo 5 phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4, có 3 phương án hướng tới chiều cao tĩnh không 10m, với kết cấu dầm bê tông cốt thép, kết cấu vòm hoặc dây văng (mức đầu tư 3.600-4.800 tỷ đồng).

Phương án chiều cao tĩnh không đạt mức 15m có kết cấu cầu vòm (hơn 4.800 tỷ đồng) và phương án cầu mở có chiều cao tĩnh không có thể lên tới 45m (khoảng 5.700 tỷ đồng).

Phương án nâng tĩnh không lên 15m sẽ tạo điều kiện cho các tàu trọng tải lớn (hơn 2.000GT) lưu thông vào cảng Sài Gòn.

Phương án cầu mở có tĩnh không cao 45m thì bị hạn chế thời gian, chỉ có thể nâng cầu về đêm khi phương tiện không nhiều.

Ngoài ra, một số phương án cầu vòm được đề xuất nên ưu tiên lựa chọn để tạo sự khác biệt trên sông Sài Gòn so với các cầu hiện hữu như Thủ Thiêm, Ba Son, Phú Mỹ.

“TP.HCM có nhiều tiền đề chưa được phát huy để phát triển hệ thống cầu cảng, cần tính toán kỹ để quy hoạch đúng từ đầu, bởi tầm nhìn ngắn hạn sẽ lãng phí tiền bạc, thời gian, nguồn lực”, ông Dương Trung Quốc góp ý.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng bày tỏ tâm tư nhắc đến cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2) nay đang là biểu tượng thành phố, nhưng phải “hy sinh” cả hàng cổ thụ xanh dọc đường Tôn Đức Thắng để xây cầu.

“Khi xây cầu phải xem cầu nối hai bên bờ có gì thì phải ứng xử cho phù hợp, cân nhắc giữ gì, bỏ gì. Bên cạnh đó, cũng như metro hay đường vành đai, những cây cầu mang tính kết nối đô thị như Thủ Thiêm 4 cần gắn với TOD để tăng giá trị nguồn lực”, ông Ngô Viết Nam Sơn gợi ý phương án.

"Một cây cầu sai, giết chết quá khứ"

"Cầu không chỉ là nơi để đi, mà còn là kiến trúc, lịch sử, nhân chứng của thời đại. Đây còn là nguồn sống kinh tế đêm của TP.HCM", ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn nhìn nhận.

Theo ông Phan Xuân Anh, TP.HCM sở hữu lợi thế thành phố cảng rất hiếm khiến nhiều thành phố trên thế giới "thèm khát". Nhận định sông Sài Gòn đại diện nền văn minh Nam Bộ, ông Xuân Anh cho rằng TP cần tính toán kỹ phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4.

"Bởi chỉ cần một cây cầu sai, nó sẽ giết chết tất cả quá khứ, lịch sử, văn minh Nam bộ", ông Phan Xuân Anh nhấn mạnh.

img

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn phát biểu. Ảnh: Nhân dân

Nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình cũng cho rằng việc di dời cảng khi phát triển đô thị đã từng xảy ra rất nhiều lần trên thế giới, nhưng có sự tiếp nối, không bị đứt gãy. Ông Thái Bình cho rằng vấn đề đặt ra việc xây cầu Thủ Thiêm không chỉ nhìn ở câu chuyện thiết kế tĩnh không cầu cao bao nhiêu.

“Đáng ra, giá trị của cảng Sài Gòn về du lịch đã phải được khẳng định từ rất lâu. TP.HCM cần phải giữ thương hiệu thương cảng Sài Gòn. Nếu không kể được các câu chuyện quá khứ, bằng các địa danh từ quá khứ thì sẽ rất đáng tiếc”, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình nhấn mạnh.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đằng sau câu chuyện tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 còn có một câu chuyện lớn hơn về tư duy quy hoạch để phát triển hài hòa trên nhiều khía cạnh khác nhau.

img

KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý tại hội thảo chiều 18/8. Ảnh: Nhân dân

Theo ông Sơn, các địa phương đang đứng trước một cơ hội rất lớn cần được tận dụng khi Luật Quy hoạch mới cho phép các tỉnh thành được làm lại quy hoạch theo tư duy tích hợp.

“Nhìn trên hiện trạng của khu vực Thủ Thiêm, quy hoạch hiện tại đang là sự ráp nối của các quy hoạch đã có trước đó. Thành phố nên xem xét toàn diện dự án cầu Thủ Thiêm 4, không chỉ về tĩnh không, thiết kế hay vị trí…”, chuyên gia kiến nghị.

Nhắc lại giá trị của di sản Bến Nhà Rồng, ông Nam Sơn cũng cho rằng, các cây cầu được xây dựng cần có sự liên kết giữa cái mới và cái cũ, đặc biệt với các công trình di sản.

“Chúng ta cần cân nhắc về tỷ lệ của cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4, tránh để Bến Nhà Rồng bị mất đi bản sắc và giá trị lịch sử. Song, cầu Thủ Thiêm 4 có độ tĩnh không như thế nào, thiết kế mỹ thuật và kỹ thuật ra sao phải tính toán cẩn trọng”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Tương xứng giá trị dòng sông

Theo ông Trần Quang Lâm, hơn 300 năm lịch sử, TP.HCM phát triển trù phú, thuận lợi hơn các nơi khác nhờ lợi thế từ dòng sông. Lãnh đạo thành phố cũng rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch đô thị ven sông và đặt ra mục tiêu phát triển tương xứng với tiềm năng của sông Sài Gòn.

Giám đốc Sở GTVT cho biết Thủ Thiêm 4 nằm trong tổng thể gắn với bờ đông Thủ Thiêm cũng như bờ tây phía Nam. Khi triển khai cầu Thủ Thiêm 4, trong thời gian nghiên cứu, Sở GTVT đã đặt ra nhiều kịch bản để không ảnh hưởng đến phương án thiết kế.

img

Tổng thể dự án cầu Thủ Thiêm 4 với khu đô thị Thủ Thiêm. Đồ họa: Tư vấn thiết kế

"Việc sửa đổi kỹ thuật tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 không khó, nếu tĩnh không cầu khoảng 15m thì cần khoảng 4.500 tỷ đồng, còn làm cầu mở là 6.000 tỷ đồng. Đây không phải là yếu tố cản trở TP.HCM, Sở GTVT cũng nghiên cứu cả phương án hầm, tùy theo phương án nào thuận lợi để có sự điều chỉnh", ông Lâm cho biết.

Lãnh đạo Sở GTVT cũng khẳng định không chỉ cầu Thủ Thiêm 4, TP cũng đặt cầu Thủ Thiêm 3 vào bối cảnh chung để nhìn nhận, đánh giá tổng thể, phát triển dài hạn.

“Giao thông phải phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa - lịch sử”, ông Trần Quang Lâm đúc kết.

Kết nối khu Nam Sài Gòn

Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 4 dài hơn 2km, thiết kế tĩnh không thông thuyền 10m, quy mô 6 làn xe. Cầu có điểm đầu từ đường Nguyễn Cơ Thạch (TP Thủ Đức) bắc qua sông Sài Gòn, nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7).

Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ chạy từ vị trí trước giao lộ cầu Tân Thuận - Nguyễn Văn Linh khoảng 200m rồi đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu, đến ngã tư giao với Huỳnh Tấn Phát rẽ trái. Sau đó cầu kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận; vượt qua sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.