Xã hội

TP.HCM còn ngập dài dài, ai phải bồi thường xe hỏng?

28/11/2018, 10:08

Ai sẽ chịu trách nhiệm khi phương tiện của cư dân để ở tầng hầm chung cư bị hư hỏng do ngập nước?

6

Mưa ngập nhiều tuyến đường ở TP HCM khiến ô tô, xe máy "bơi" trong nước sáng 26/11

Từ thực tế công tác quản lý, xử lý chống ngập, các chuyên gia nhận định, trong tương lai TP HCM vẫn phải tiếp tục “sống chung với ngập”. Còn trước mắt câu hỏi nóng bỏng đặt ra hiện nay là phương tiện giao thông của người dân hư hỏng do ngập, ai sẽ phải bồi thường?

Thiết kế hệ thống thoát nước đã lạc hậu

Trao đổi với PV, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (Trung tâm Chống ngập) cho biết, theo quy hoạch tổng thể thoát nước TP đến năm 2020, tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91m (kênh, rạch), 85,36mm (cống cấp 2), 75,88mm (cống cấp 3); Mực nước triều +1,32m. Tuy nhiên, thống kê từ năm 2002 - 2010 đã xuất hiện 21 trận mưa; 2011 - 2016 có 20 trận mưa, trong đó có những trận mưa chỉ trong 60 phút đã đạt vũ lượng từ 100 - 200mm.

Theo luật sư Nguyễn Doãn Hải, Giám đốc Công ty Luật hợp Danh Nam Việt Luật (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương): Về nguyên tắc, tất cả các xe ô tô đều phải mua bảo hiểm (bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện vật chất cho xe của mình để đề phòng rủi ro).

Trong trường hợp xe bị ngập nước tại hầm để xe chung cư gây hư hỏng, sau khi giải quyết quyền lợi chi trả bồi thường với khách hàng, các Công ty Bảo hiểm sẽ làm việc với Ban quản lý khu chung cư, chủ đầu tư, công ty bảo vệ để thương lượng hoặc khởi kiện các đơn vị này. Nếu các Công ty Bảo hiểm chứng minh được việc hư hỏng tài sản là xe do sự thiếu trách nhiệm của đơn vị giữ xe, Ban quản lý khu chung cư, Ban quản lý Tòa nhà  như thiên tai đã được dự báo trước, đơn vị giữ xe không chuẩn bị máy bơm, không thông báo cho chủ sở hữu xe đưa xe ra ngoài thì các công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu đơn vị đó bồi hoàn chi phí bảo hiểm đã trả cho khách hàng.

Trong khi đó, tình trạng thủy triều xâm nhập (triều cường) ngày càng diễn biến phức tạp từ các sông ngòi dày đặc, điển hình như hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông. Địa hình thấp (gần 63% diện tích có cao độ tự nhiên dưới 1,5m), việc xâm nhập triều từ sông Sài Gòn qua hướng sông Lòng Tàu, Soài Rạp và từ sông Vàm Cỏ Đông khiến TP HCM sẽ bị ngập những vị trí có cao trình thấp hơn đỉnh triều nếu không có biện pháp bảo vệ. Trong 40 năm (1962 - 2001), đỉnh triều cao nhất chỉ dưới 1,50m (tại trạm Phú An). Tuy nhiên, chỉ tính trong 5 năm gần đây (2011 - 2016), có tới 85 lần đỉnh triều ở mức từ 1,62 - 1,68m…

Một vấn đề khác là hệ thống thoát nước theo quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn trước đây (1975) cho quy mô dân số khoảng 2 triệu người. Hiện, số dân của TP HCM đã hơn 10 triệu người, song hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư cải tạo kịp thời nên không thể đáp ứng được nhu cầu thoát nước.

Từ năm 2011 đến nay, TP HCM đã thi công 106 dự án, đưa vào vận hành 329km cống trục chính. Trong đó, đã hoàn thành giai đoạn 1 cho 4 dự án ODA lớn gồm: Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, dự án Tân Hóa - Lò Gốm, Đại lộ Đông - Tây. 4 dự án kể trên đã từng bước giải quyết ngập nước, xử lý nước thải cho vùng trung tâm TP với diện tích khoảng 100km2.

Tháng 6/2016, TP HCM cũng đã khởi công thực hiện dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Theo hợp đồng đã ký kết, trong năm 2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng để giải quyết ngập do triều cường cho một vùng rộng lớn tới 550km2, khoảng 6,5 triệu dân. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư đã thực hiện được khoảng 72% khối lượng công việc thì phải dừng thi công đến nay đã 7 tháng, TP vẫn chưa có “động tĩnh” gì.

Xe hư hỏng do ngập nước, ai chịu trách nhiệm?

Không chỉ đường sá bị ngập sâu, không ít tầng hầm chung cư của nhà cao tầng đã biến “thành ao”, ngập sâu đến 2 - 3m. Đơn cử như chung cư Ngọc Khánh (Q.5), Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), chung cư cho thuê số 71/5 và 71/6 Chu Văn An (Q.Bình Thạnh).

Sau trận mưa lịch sử, câu hỏi đặt ra là, ai sẽ chịu trách nhiệm khi phương tiện của cư dân để ở tầng hầm chung cư bị hư hỏng do ngập nước? Anh Lê Tuấn bức xúc: “Xe ô tô của tôi chìm trong nước ở chung cư Chu Văn An nhiều giờ liền. Khi xe được cứu hộ đưa về hãng thì nhân viên báo giá rất cao vì linh kiện, bo mạch hư hỏng do bị ngâm nước. Hãng không chịu trách nhiệm, trong khi chỗ tôi gửi xe kêu bên bảo hiểm bồi thường. Giờ tôi không biết phải làm thế nào”.

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng cho biết, chiếc xe BMW hiệu 750i chìm sâu trong biển nước hầm chung cư nơi anh đang ở thuộc quận 4. “Khi bơm nước xong, đội cứu hộ kéo xe tôi về hãng. Qua kiểm tra xe bị hư hỏng nặng, chi phí sửa chữa bằng 1/3 giá trị chiếc xe. Tôi đã liên hệ bên bảo hiểm đến giám định xe nhưng đang rất lo lắng chưa biết phía bảo hiểm giải quyết ra sao”.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Công Lê Tao (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay, trước hết cần phải xác định chủ xe có hợp đồng thuê hoặc trả phí chỗ để xe dưới tầng hầm với ban quản lý chung cư hay không? Nếu có thì Ban quản lý chung cư phải có trách nhiệm bồi thường và trả chi phí sửa chữa cho chủ phương tiện. Căn cứ theo quy định tại Điều 554, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, chủ xe đã gửi xe và Ban quản lý chung cư nhận giữ xe, tức là hai bên đã xác lập hợp đồng gửi - giữ tài sản.

Theo luật sư Tao, Khoản 2, Điều 556 BLDS 2015 quy định về quyền của bên gửi tài sản là “Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”; Khoản 4, Điều 557 quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản là “Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”. Như vậy, Ban quản lý chung cư phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe khi xe của họ hư hỏng khi bị ngập nước.

Trong trường hợp mưa lớn, nước tràn vào hầm giữ xe và làm hỏng xe thì không được xem là trường hợp “bất khả kháng”. Vì khi có thông tin về thời tiết xấu, Ban quản lý chung cư phải lên phương án dự phòng để chống ngập cho tầng hầm. “Ban quản lý toà nhà phải chứng minh sau khi có thông tin cơn bão đã có phương án ứng phó như thế nào? Nếu đã triển khai các phương án mà không xử lý được thì đó mới là sự việc bất khả kháng. Còn biết bão đến nhưng Ban quản lý không làm gì và khi xảy ra thiệt hại thì họ phải có trách nhiệm”, luật sư Tao khẳng định.

Theo luật sư Tao, bên bảo hiểm ô tô có có trách nhiệm giám định mức độ thiệt hại, mức độ hư hỏng phương tiện tại thời điểm xảy ra để làm căn cứ bồi thường cho chủ phương tiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.