Dự án đường Phạm Văn Đồng được thực hiện theo hình thức BT |
Chia sẻ tại hội nghị trao đổi về quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT (đầu tư - chuyển giao) diễn ra hôm qua (7/11), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố chủ trương những mảnh đất đẹp phải đấu giá, không làm BT. Cùng đó, TP.HCM sẽ thành lập riêng một “Tổ nghiên cứu về dự án BT”.
Không làm dự án BT khi chưa có đất sạch
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, giai đoạn 2004-2015 có 6 dự án thực hiện theo hình thức BT đã đưa vào khai thác. Trong số này có nhiều dự án trọng điểm như: Cầu Sài Gòn 2, đường Phạm Văn Đồng, đường D3 vào cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Nam Sài Gòn. Giai đoạn 2015-2017, thông qua hình thức BT, thành phố huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng.
“Đầu tư theo hình thức BT thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư và tiến độ thực hiện ngắn hơn so với từ ngân sách. Các dự án thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng, đưa vào khai thác sớm hơn”, ông Ngọc Anh nói và cho biết, trước đây hình thức BT có 2 loại gồm: Nhà đầu tư thực hiện và Nhà nước trả tiền sau; đổi đất lấy hạ tầng. Hiện nay, chỉ còn hình thức đổi đất lấy hạ tầng, tuy nhiên hình thức này vừa qua cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều.
"Nhiều người có cái nhìn chưa thật sự công bằng về các nhà đầu tư, nhưng sự thật nhà đầu tư cũng chịu nhiều rủi ro. Xã hội bất bình còn nhà đầu tư bức xúc. Không phải muốn làm gì thì làm như nhiều người nghĩ. Bởi lập dự án là do tư vấn, Nhà nước kiểm tra, phê duyệt, giám sát Nhà nước, Sở Tài chính kiểm toán về tổng mức đầu tư… Không thể nói nhà đầu tư muốn làm gì thì làm”. Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm |
TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình chính sách công, tại Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho rằng, các dự án BT vừa qua chủ yếu dựa vào đổi đất lấy hạ tầng. Việc định giá đất và quá trình đổi đất không minh bạch, gây bức xúc trong dư luận. Nhà đầu tư đề xuất dự án thay vì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề xuất.
Dù vậy, TS. Du vẫn cho rằng, ít nhất 2 thập niên tới TP.HCM vẫn phải sử dụng hình thức BT để phát triển hạ tầng, bởi nhu cầu đầu tư là rất lớn. Ông Du đề xuất, với trường hợp đã có đất sạch nhưng không gắn liền với dự án BT, Nhà nước không đổi đất với chủ đầu tư. Thay vào đó bán đấu giá quyền sử dụng đất, tiền thu được dùng để thanh toán hợp đồng BT theo tiến độ. Trường hợp đã có đất sạch gắn liền với dự án, Nhà nước nên bán đấu giá quyền sử dụng đất ngay hoặc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi dự án gần hoàn thành nếu dự đoán khả năng giá đất sẽ tăng cao theo tiến độ dự án. Tiền thanh toán cho chủ đầu tư được tài trợ từ vay trực tiếp của các tổ chức tài chính hoặc tạm ứng quỹ PPP hoặc phát hành trái phiếu công trình đảm bảo bằng quyền sử dụng đất của đất sạch gắn với dự án. “Không làm dự án BT khi chưa có đất sạch và đất không gắn với dự án”, TS. Du nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, bất cập lớn nhất của các dự án BT thời gian qua là phần lớn được chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu tạo điều kiện cho nhà đầu tư được hưởng lợi “kép”. Các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông để đầu tư bất động sản cũng do nhà đầu tư đề xuất. Khi thực hiện dự án, nhà thầu, nhà đầu tư tránh được thủ tục “kép” là đấu thầu mà chủ yếu bằng chỉ định thầu.
Dẫn ví dụ cụ thể lô đất tại số 23 đường Lê Duẩn, quận 1, ông Châu cho rằng, việc tổ chức đầu thầu sẽ làm tăng giá trị lên rất nhiều. Giá khởi điểm đấu giá lúc đầu là 558 tỉ đồng, có 13 DN tham gia đấu giá, sau 16 vòng đấu giá, mức giá tăng lên đến 1.430 tỉ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm.
Sẽ lập tổ nghiên cứu dự án BT
Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT cho rằng, không nên quá lo lắng việc nhà đầu tư lập dự án sẽ gây thất thoát, bởi sau khi lập dự án các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra rất chặt. Các dự án đều có thanh tra, kiểm toán độc lập, kể cả sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, từ nay đến năm 2020 TP.HCM cần 850.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 20%, còn lại phải huy động các nguồn lực khác thông qua các hình thức PPP, trong đó có BT. Tuy nhiên, theo ông Phong, việc quản lý các dự án theo hình thức BT sắp tới sẽ chặt chẽ hơn. Những mảnh đất đắc địa rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến tiêu cực. Vì vậy, Thành phố chủ trương những mảnh đất đẹp phải đấu giá, không làm BT. “Nhiều mảnh đất trong vùng lõi của Thủ Thiêm được nhiều nhà đầu tư quan tâm muốn làm BT nhưng quan điểm của tôi là phải đấu giá, vì Nhà nước đã bỏ tiền GPMB”, ông Phong nói.
Cùng đó, TP HCM cũng thành lập “Tổ nghiên cứu về dự án BT” do Sở KH-ĐT làm tổ trưởng, các tổ phó là đại diện các sở, ngành chuyên môn, người đại diện là tiếng nói của Sở chuyên môn đó, để đảm bảo cho nhà đầu tư tiếp cận các dự án BT một cửa, nhanh chóng, không phải chạy nhiều cửa. Tổ này cũng xây dựng quy trình cho từng dự án BT, xây dựng chính sách để làm BT gắn với các dự án kết nối.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận