Chợ đêm chủ yếu là quán nhậu
Ghi nhận tại khu chợ đêm An Sương, quận 12 (TP.HCM), khu chợ tập trung hàng chục gian hàng, ki-ốt nhưng chủ yếu kinh doanh đồ ăn uống. Ở đây có một số khu vui chơi cho trẻ em nhưng đều vắng vẻ vì thiếu các hoạt động giải trí.
Một chủ cửa hàng đồ ăn vặt trong khu chợ này cho biết, chợ đêm mới bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 9/2023. Trong những ngày đầu mở cửa, nơi này thu hút nhiều thực khách tới tham quan và thưởng thức đồ ăn vặt. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian ngắn, chợ bắt đầu trở nên trống vắng.
Tương tự, tại khu chợ ẩm thực đêm Hồ Thị Kỷ, nằm tại phường 1, quận 10, các quầy hàng tại đây chủ yếu cung cấp đồ ăn và thức uống, thường hơn 22h đã đóng cửa do vắng khách. Các điểm kinh doanh bày bán ngay dưới lòng đường, vì vậy người dân, du khách khi đến đây đi lại rất khó khăn.
Tình trạng đơn điệu trong các hoạt động kinh tế đêm cũng diễn ra tại hai phố đi bộ quận trung tâm TP.HCM, bao gồm Nguyễn Huệ và Bùi Viện. Mặc dù nằm ở trung tâm thành phố, nhưng các hoạt động kinh tế đêm tại đây chủ yếu tập trung vào việc bày bán đồ ăn nhậu.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, du khách thường gặp khó khăn với cảnh xe bán hàng rong chiếm trọn không gian đi bộ, gây nên tình trạng lộn xộn. Còn ở phố đi bộ Bùi Viện, dường như nơi đây đã trở thành điểm đến chính cho những hoạt động ăn nhậu.
Kiến trúc sư Ngô Việt Nam Sơn cho rằng, TP.HCM hiện nay chưa có một khu vực kinh tế đêm nào đúng nghĩa. Hiện tại, mô hình kinh tế đêm của TP.HCM chỉ tập trung chủ yếu vào việc ăn nhậu trong khu vực chợ đêm, phố đi bộ. Điều này chỉ có lợi ích ngắn hạn chứ không phải lâu dài.
Cần đa dạng hoạt động
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chi Nhân, TP.HCM còn vướng mắc trong việc phát triển kinh tế đêm, khi chưa tạo ra được sự phong phú trong các hoạt động. Khu chợ, phố đêm hiện nay chưa thực sự mang lại nguồn kinh tế cho thành phố.
Đơn cử, phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay chưa thực sự được sử dụng cho mục đích kinh tế mà chỉ đơn thuần là đi bộ giải trí và ẩm thực.
"Phố Nguyễn Huệ nằm ở trung tâm quận 1, đúng ra phải trở thành một trung tâm về kinh tế với đa dạng các hoạt động về đêm, quy hoạch rõ ràng từng khu vực, có lịch trình đều đặn để tạo một không gian thú vị và nhiều lựa chọn trải nghiệm cho du khách", ông Nhân góp ý.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng, thay vì mở rộng mô hình kinh tế đêm tràn lan ở các quận như hiện nay, TP.HCM nên tập trung phát triển vào những khu vực có tính đặc thù và khả năng thu hút du khách.
Để kinh tế đêm phát triển bền vững, cần đảm bảo sự kết nối giữa các hoạt động đêm và cung cấp không gian cho du khách. Mô hình kinh tế đêm không chỉ tập trung vào ẩm thực, mà còn là văn hóa và giải trí để thu hút khách du lịch.
"Ngoài ra, cũng cần phải tính đến chuyện kết nối giao thông. Giao thông công cộng chỉ hoạt động đến 22h thì sau đó người dân đi chơi đêm về bằng gì? Ở trung tâm không đủ các dịch vụ gửi xe, người dân gửi xe ở đâu để không bị chặt chém?", ông Sơn đặt vấn đề.
Xây dựng hệ sinh thái kinh tế đêm
Mới đây, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành khẩn trương thực hiện đề án phát triển du lịch và kinh tế ban đêm. Trong đó, tập trung khai thác khu vực trung tâm (quận 1), chọn các vị trí thuận lợi như chợ Bến Thành, khu công viên Bạch Đằng và bờ sông gần các bến thủy, phát triển kinh tế đêm theo hướng đa dạng các hoạt động du lịch, văn hóa.
Thông tin đến Báo Giao thông, đại diện UBND quận 1 cho biết, quận đã nhìn thấy những bất cập của hoạt động tại các khu vực khai thác kinh tế đêm hiện nay và có những đề án để thay đổi.
Chẳng hạn, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, sẽ xây dựng thành "Con đường nghệ thuật", với các khu vực quản lý khác nhau. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa và nghệ thuật phục vụ du khách với quy mô hợp lý, miễn phí như: Ban nhạc biểu diễn trực tiếp, trình diễn nghệ thuật truyền thống, các nhóm nghệ sĩ trẻ độc lập...
Về lâu dài, quận đã trình UBND TP đề án phát triển kinh tế đêm với mô hình ba trục động lực và sáu cụm chức năng.
Trong đó, trục "Tinh hoa Sài Gòn" - dọc các tuyến đường từ nhà thờ Đức Bà theo đường Đồng Khởi đến Nhà hát Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi đến chợ Bến Thành. Trục này tập trung vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thương mại, du lịch, dịch vụ, triển lãm sáng tạo, thu hút khách du lịch quốc tế và người dân.
Trục "Thổi hồn đô thị" - quanh khu vực đường Lê Lai, khu Bùi Viện, công viên 23/9, nhằm xây dựng bản sắc và hình ảnh quốc tế, mang lại trải nghiệm độc đáo cho người dân và du khách vào ban đêm.
Và trục "Dòng chảy thời gian" - từ cầu Khánh Hội chạy theo bến Bạch Đằng đến cầu Ba Son, kéo dài đến cầu Sài Gòn. Khu vực này sẽ tập trung vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội đường phố, quảng bá không gian và đời sống sông nước của TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các cụm chức năng sẽ phát huy những giá trị di sản, thương mại, đô thị… từ đó tạo động lực để phát triển, xây dựng một "hệ sinh thái" kinh tế đêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận