Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đang được các đơn vị liên quan phối hợp đẩy nhanh tiến độ để kịp thông xe vào cuối năm 2025.
Hiện, những khó khăn vướng mắc của dự án về công tác giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng là mấu chốt cơ bản cần được giải quyết.
Đề xuất Bộ GTVT và các tỉnh cung cấp cát đắp nền
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), về đất đắp và đá xây dựng để làm đường Vành đai 3 thì đã cơ bản đáp ứng được. Riêng về nguồn cát vẫn nan giải, TP.HCM không thể chủ động được.
Do đó, mới đây, UBND TP.HCM đã làm việc với các bộ, ngành và các tỉnh để điều phối nguồn cát vật liệu.
Theo đó, đề xuất Bộ GTVT sẽ phân phối cung cấp khoảng 450.000m3 cát. Các tỉnh Vĩnh Long cung cấp 50.000m3, An Giang 200.00m3, Đồng Tháp 200.000m3.
Các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre cũng đang làm nhanh các thủ tục để có thể khai thác các mỏ cát để cung cấp cho các dự án trong vùng.
TP.HCM cũng đề xuất tỉnh Bến Tre đẩy nhanh thủ tục đấu giá quyền khai thác các mỏ để có thể cấp ngay cho dự án từ tháng 9/2024 với tổng khối lượng là 600.000 m3. Đồng thời, cung cấp thêm 190.000 m3 từ các mỏ mà tỉnh sẽ gia hạn lại cho dự án từ tháng 6/2024.
Ngoài ra, đối với các mỏ cát từ nguồn cát bồi lắng trên sông Ba Lai, kiến nghị phương án chỉ định thầu quyền khai thác khoáng sản để có thể rút ngắn các thủ tục nhằm đưa mỏ sớm khai thác đảm bảo cung cấp cát cho dự án.
Đối với nguồn vật liệu cát đắp nền đường đã được các địa phương cam kết cấp cho dự án cao tốc khác (Bắc - Nam, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…), UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ, rà soát cân đối chia một phần khối lượng cho dự án đường Vành đai 3 theo hướng dự án nào tiến độ cấp thiết sẽ cung cấp trước.
Qua thống kê cho thấy, TP.HCM cần 7,1 triệu m3 cát đắp nền đường trong 3 năm (2024, 2025, 2026) để hoàn thành dự án Vành đai 3.
Khi những kiến nghị trên sớm được giải quyết thì với sự hỗ trợ của 6 tỉnh miền Tây cung cấp vật liệu cát xây dựng cho TP.HCM, khối lượng dự kiến là 10.300.000m3 cát theo từng giai đoạn thì thành phố không còn lo thiếu cát để hoàn thành dự án.
Vướng 38 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng
TP Thủ Đức là nơi dự án đường Vành đai 3 chiếm diện tích đất thu hồi nhiều nhất. Tiếp đó là các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn.
Hiện, dự án còn 38 hồ sơ chưa chịu bàn giao mặt bằng, trong đó Thủ Đức còn 36 hồ sơ.
Theo Ban bồi thường GPMB TP Thủ Đức, toàn dự án Vành đai 3 qua địa bàn TP Thủ Đức có 585 trường hợp thu hồi mặt bằng, trong đó có 549/585 hồ sơ đồng ý bàn giao mặt bằng, còn 36 trường hợp chưa chịu bàn giao. Hai trường hợp còn lại 1 ở huyện Củ Chi, 1 ở huyện Bình Chánh.
Với những trường hợp đồng ý, đến ngày 27/3, Ban bồi thường GPMB đã tổ chức chi trả tiền 523/583 trường hợp với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Thủ Đức cũng đã thu hồi mặt bằng 472/585 hồ sơ với tổng diện tích bàn giao mặt bằng 94,8ha, chiếm gần 95%. Số còn lại đã đồng ý nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng do vướng một số lý do về giấy tờ, pháp lý.
Theo Ban bồi thường GPMB TP Thủ Đức, còn 36 trường hợp không đồng thuận, phải thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi đất.
Cụ thể, tại phường Long Trường, còn 3 hồ sơ chưa đồng thuận. Phường Long Thạnh Mỹ còn 2 hồ sơ; phường Trường Thạnh còn 15 hồ sơ; phường Long Bình còn 16 hồ sơ...
Với những trường hợp này, UBND TP Thủ Đức đã ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi đất, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào cuối tháng 4.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM dài 47,35km bao gồm 2 đoạn: Đoạn 1, địa phận Thủ Đức từ cầu Nhơn Trạch đến nút giao Tân Vạn, dài 14,37km. Đoạn 2, qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh từ cầu Bình Gởi đến kênh Thầy Thuốc dài 32,6km. Tổng mức đầu tư hơn 22.412 tỷ đồng trong đó nguồn vốn ngân sách 50%, vốn thành phố 50%.
Dự án thông xe vào năm 2025, và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận