Y tế

TP.HCM: Dịch sởi tăng “nóng”, kiểm soát thế nào?

08/11/2024, 07:00

Sau 2 tháng nỗ lực tiêm bao phủ vaccine, số ca mắc sởi ghi nhận tại TP.HCM vẫn có dấu hiệu gia tăng ở một số nhóm tuổi, nhất là nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa tới tuổi tiêm vaccine).

Số ca mắc tăng nhanh

Là điểm nóng từ đầu mùa dịch đến nay, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận hàng nghìn trẻ nhiễm sởi. Hiện mỗi ngày, khoa điều trị nội trú trên 70 ca mắc sởi.

TP.HCM: Dịch sởi tăng “nóng”, kiểm soát thế nào?- Ảnh 1.

Một bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị.

Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế TP.HCM, trong tuần gần nhất đã ghi nhận 141 ca, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, có 82 ca điều trị nội trú (giảm 7,3%) và 59 ca điều trị ngoại trú (tăng 90%).

Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi ở TP.HCM lên tới 1.448 ca, gồm 1.124 ca điều trị nội trú và 324 ca điều trị ngoại trú; có 3 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, gần 300 ca sởi từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện ở TP.HCM, tăng 41% so với trung bình 4 tuần trước, với 236 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, số ca sởi đến từ các tỉnh khác là 2.165 ca, bao gồm 1 trường hợp tử vong.

Đáng lưu ý, từ đầu mùa dịch đến nay, số bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi được ghi nhận lên tới 349 trẻ, chiếm tỷ lệ 24% tổng số ca mắc. Ngoài ra, số ca bệnh sởi mới ở nhóm 11 tuổi trở lên cũng tăng (282 trẻ, chiếm 20% tổng số ca mắc). Số ca mắc ở nhóm trẻ 1-5 tuổi cũng chưa ghi nhận có xu hướng giảm.

Vì sao TP.HCM thành ổ dịch?

BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết: "Trẻ dưới 9 tháng tuổi là nhóm chưa đủ tuổi để tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ. Đây là nhóm trẻ cần đặc biệt quan tâm nếu mắc sởi".

Sau công bố dịch sởi vào tháng 8 và đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ nhỏ ở độ tuổi tiêm chủng trong 2 tháng 9, 10/2024, tỷ lệ ca mắc sởi ở TP.HCM chưa giảm như kỳ vọng.

Lý giải điều này, BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM cho hay: "Bệnh sởi ở 19 tỉnh, thành phía Nam đang gia tăng nhanh, tập trung vào nhóm trẻ em 1-10 tuổi và được chuyển về TP.HCM khám và điều trị. Điều này là nguồn tác nhân gây bệnh, khiến tỷ lệ ca mắc sởi tại TP.HCM duy trì ở mức ngang, thậm chí tăng nhẹ".

Bên cạnh đó, việc rà soát lập danh sách trẻ em trong độ tuổi 1-10 ở các quận, huyện chưa đầy đủ, nhất là với nhóm trẻ di biến động dân cư theo bố mẹ lên TP.HCM sinh sống, làm việc. Nhiều trường hợp chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine nên dễ dàng bị nhiễm bệnh. Không chỉ ở trẻ nhỏ, hiện đã ghi nhận ổ dịch nhỏ nhiễm sởi ở người lớn.

Không thể chủ quan

Theo BS Trương Hữu Khanh, nếu các tỉnh, thành phố khác không nhanh chóng tiêm vaccine sởi cho trẻ em hoặc tiêm với tốc độ chậm, người bệnh sẽ vẫn đổ về TP.HCM, tiếp tục lây lan cho nhóm dưới tuổi tiêm chủng và trẻ chưa có miễn dịch. Sau khi tiêm, trẻ cần ít nhất 2 tuần tạo miễn dịch phòng bệnh nên không thể chủ quan.

"Để kiểm soát dịch cần tổ chức tiêm vaccine đồng bộ, các tỉnh đều phải tham gia, tìm nguồn lực vaccine và tiêm chủng thật nhanh.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng, chống bệnh sởi lây lan trong bệnh viện, các đơn vị cần khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh; bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này", ông Khanh nói.

Trước diễn biến gia tăng số ca mắc sởi mới, TP.HCM cần mở rộng đối tượng tiêm vaccine phòng dịch sởi gồm: Học sinh trong lớp học có ca mắc sởi tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thứ hai, người chăm sóc người suy giảm miễn dịch tại các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc các trại cai nghiện thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM.

Riêng với trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế về việc tiêm chủng sởi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine sởi có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như một biện pháp chống dịch tăng cường.

Mũi vaccine này được xem là mũi "sởi 0", sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Theo cảnh báo từ các chuyên gia truyền nhiễm, trẻ nhiễm sởi có thể gặp nhiều biến chứng và bội nhiễm các loại vi khuẩn khác gây ra viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm tủy, viêm ruột, cam tẩu mã, viêm mũi họng, viêm tai xương chũm… đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Hiện, tiêm phòng được đánh giá là giải pháp hiệu quả trong phòng chống sởi.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.