Hạ tầng

TP.HCM: Điều chỉnh cốt nền đường hợp lý, chống ngập

12/12/2016, 06:31

Sở GTVT TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, điều chỉnh cốt nền, cốt xây dựng thật hợp lý...

3

Nhiều hộ dân ven đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân đang khốn khổ vì đường cao hơn nhà

Điều chỉnh cốt nền, cốt xây dựng hợp lý

Trên đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM), đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến An Lạc (dài khoảng 3km) đã được đơn vị thi công đổ nền cao hơn nhà dân tới cả mét, có nhiều khúc lên tới 1,2m. Nhiều tháng qua, những hộ dân ở khu vực này phải chống chọi với nước ngập bằng cách xây tường, bờ bao ngăn nước.

Tương tự, tại các dự án như xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; Dự án nâng cấp đô thị trên địa bàn quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân cũng đã và đang gây ngập úng, mất an toàn khi lưu thông, cũng như ô nhiễm về không khí tại những khu vực này.

Thực tế, theo Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), khi nâng cấp, mở rộng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo cốt xây dựng quy hoạch (trên 2m, trong khi địa hình thành phố thấp với trên 63% diện tích dưới 1,5m) đã xảy ra tình trạng cao độ thiết kế quá cao so với cao độ nền nhà dân. Điều này gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân dọc tuyến, ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như việc đấu nối hệ thống thoát nước, gây bức xúc trong xã hội.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện UBND thành phố đang xem xét phê duyệt chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc nâng đường chống ngập. Chi phí này dự kiến sẽ lấy trong chi phí thực hiện dự án.

Khắc phục những bất cập này, thời gian tới, Sở sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh cốt nền, cốt xây dựng hợp lý, đảm bảo tính kinh tế, khả thi cho giai đoạn trước mắt và lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu, khai thác hiệu quả hệ thống thoát nước, đường hiện hữu bằng việc duy tu, khơi thông dòng chảy. Đặc biệt, khi xây dựng, nâng đường sẽ thực hiện điều tra xã hội học, kết hợp với các yếu tố về kinh tế, kỹ thuật để đề xuất cao độ thiết kế đường phù hợp.

Quy hoạch chiều cao san nền phải tính đến biến đổi khí hậu

Liên quan đến vấn đề thoát nước trên địa bàn thành phố, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết: Hệ thống cống chung thu gom nước mưa, nước thải đã được đầu tư qua nhiều thời kỳ, phục vụ chủ yếu cho các quận nội thành cũ. Đối với khu vực ngoại thành, hệ thống cống chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa hoàn chỉnh. Kích thước cống nhỏ (trung bình khoảng 600 - 800mm), chỉ phục vụ thoát nước cho từng tuyến đường cụ thể mà chưa thể đáp ứng được yêu cầu thoát nước theo vùng, lưu vực. Hệ thống cống xuống cấp, hư hỏng (lún sụt, võng, biến dạng…), không đồng bộ làm hạn chế khả năng thoát nước.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Thoát nước của trung tâm cho biết, hiện thành phố có 4.167/6.000km cống thoát nước. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 của 1/12 nhà máy xử lý nước thải và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng 3/104 hồ điều tiết.

“Đối với những khu vực có cao độ thấp hơn mực nước triều cường thì phải có đê bao và hồ chứa hoặc trạm bơm để hút nước chứ không thể chỉ nâng đường, nâng cống như một số dự án đã triển khai trong thời gian qua. Cùng với đó, khi quy hoạch chiều cao san nền phải tính đến biến đổi khí hậu, không để tình trạng cứ nâng đường mãi mà không hết ngập…”, ông Long nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.