Chợ truyền thống mở cửa khi đáp ứng các yêu cầu phòng dịch
Chiều 12/9, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM họp báo để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trong ngày.
Tính đến 18h00 ngày 11/9, có 292.403 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 291.930 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 473 trường hợp nhập cảnh. Trong ngày ghi nhận 200 ca tử vong do Covid-19.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chợ Bình Thới quận 11 đưa mô hình hoạt động mới, đưa chợ ra sân, các gian hàng có vách ngăn để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua.
Trả lời câu hỏi về thời gian, lộ trình và các điều kiện để mở lại chợ truyền thống tại TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, thành phố chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa hoặc ngừng hoạt động các chợ truyền thống, các cửa hàng, siêu thị, hệ thống phân phối. Do đó cũng không có kế hoạch để tổ chức mở cửa hoạt động trở lại.
Theo ông Phương, việc tạm ngưng hoạt động của các chợ, các hệ thống phân phối là do điều kiện thực tế, yêu cầu của công tác phòng chống dịch. Trước đó ở một số chợ, điểm bán hàng xuất hiện các ca F0, hoặc các điều kiện hoạt động chưa đáp ứng các tiêu chí phòng, chống dịch nên phải tạm ngưng.
Để phục vụ cung ứng hàng hoá cho người dân kịp thời, nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, Sở Công thương phối hợp các quận huyện nhanh chóng tổ chức phương án tái khởi động các chợ tạm ngưng hoạt động.
Sở đã có những hướng dẫn chi tiết về các mô hình tổ chức chợ, không tổ chức hoạt động tập trung như cũ mà áp dụng mô hình chợ an toàn.
Theo đó, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực cung ứng lương thực, thực phẩm tươi sống, với số lượng tiểu thương hạn chế, có phân luồng, giãn cách, vách ngăn, bán hàng theo phương thức đồng giá.
Người đi mua được phát phiếu, thông tin trước hàng cần mua để người bán chuẩn bị, tới chợ chỉ việc lấy hàng rồi đi về, không giao dịch, tiếp xúc.
Khi các phương án đang xây dựng và chuẩn bị triển khai, thì thành phố áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường, thực hiện giãn cách tuyệt đối, ai ở đâu ở yên đó. Đồng thời thực hiện giải pháp cung ứng hàng hoá cho người dân theo phương thức “đi chợ hộ”.
Chính vì vậy các chợ truyền thống hoạt động theo các phương thức trên rất khó khăn, đặc biệt khi 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn cũng tạm ngưng hoạt động.
Để chuẩn bị cho hoạt động trở lại của các chợ truyền thống, tại 3 chợ đầu mối đã được thành phố chỉ đạo và Sở Công thương cũng đã có hướng dẫn tổ chức mô hình điểm trung chuyển, tập kết hàng hoá, từng bước mở rộng nguồn hàng để cung ứng cho các chợ.
Tới đây, trong điều kiện thực tế, khi các yêu cầu về công tác phòng chống dịch có những thay đổi, khả năng đáp ứng các yêu cầu này tới đâu thì việc mở cửa trở lại các chợ truyền thống sẽ có lộ trình theo đúng yêu cầu thực tế.
“Trước mắt Sở Công thương đã có kế hoạch làm việc lại với từng quận huyện để rà soát, nắm lại các phương án của các quận huyện để có điều chỉnh kịp thời. Khi các điều kiện phòng dịch đảm bảo sẽ đồng loạt mở lại các chợ tại các quận huyện cùng với 3 chợ đầu mối”, ông Phương nói.
Người các tỉnh về TP.HCM làm việc cần đáp ứng gì?
Liên quan đến vấn đề kiểm tra giấy đi đường của người dân trong thời gian qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Công an thành phố đã cấp giấy đi đường và ban hành các văn bản hướng dẫn theo từng giai đoạn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Đến nay công an thành phố đã lắp đặt 109 điểm trạm kiểm soát với 116 thiết bị camera quét mã QR code để kiểm tra giấy đi đường.
Theo thống kê, từ ngày 6/9 đến 11/9 tại 914 chốt trạm kiểm soát trên toàn địa bàn thành phố, công an thành phố đã kiểm tra 1.380.500 lượt phương tiện. Lập biên bản xử lý 3.986 trường hợp với số tiền 6.813 triệu đồng.
Tỷ lệ người vi phạm chiếm 0,59% trên tổng số người kiểm tra, tức là cứ 170 người kiểm tra thì có 1 người vi phạm. Lỗi vi phạm chính là ra đường không có lý do chính đáng.
Trong thời gian tới, công an thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định giãn cách xã hội. Đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT, sử dụng camera quét mã QR code để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm tại các chốt trạm kiểm soát.
Đã cấp đến công an các quận huyện 50 thiết bị máy tính xách tay để lắp đặt tại các chốt, trạm kiểm soát. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý tại các khu dân cư. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật, giả danh, giả mạo giấy tờ.
Công an TP.HCM sẽ ứng dụng công nghệ để kiểm tra giấy đi đường của người dân một cách thuận tiện hơn.
Về việc người lao động ngoài tỉnh, hay người dân thành phố đang mắc kẹt tại các tỉnh muốn quay trở về TP.HCM, họ đã được tiêm 2 mũi vaccine thì cần các điều kiện gì khác, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, việc mở cửa trở lại cùng với dịch vụ xe vận chuyển thì thành phố đang tính toán để cho người dân các tỉnh quay trở lại thành phố.
Đối với công an thành phố sẽ tôn trọng hướng dẫn của cơ quan y tế. Còn hiện nay việc kiểm tra lưu thông trên đường, công an thành phố rất tạo điều kiện.
Trong thời gian qua, những người ở các tỉnh về thành phố hoặc các chuyên gia đi máy bay về nước ngành công an thành phố không hề cản trở việc này.
“Quan điểm của công an thành phố là hỗ trợ người dân hết mức khi quay trở lại thành phố làm việc nhưng phải đảm bảo các quy định của ngành y tế”, Thượng tá Hà nói.
Liên quan đến việc kết nối dữ liệu để hướng đến cấp “thẻ xanh Covid” điện tử, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an về việc liên thông kết nối dữ liệu phần mềm tiêm chủng Covid-19 với phần mềm quản lý cư dân của Bộ Công an.
Theo UBND thành phố, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 2/9 của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, trong đó có nội dung về việc kết nối phần mềm quản lý dân cư của Bộ Công an với phần mềm quản lý an sinh xã hội - tiêm chủng Covid-19.
UBND TP.HCM đã có công văn về việc liên thông kết nối dữ liệu phần mềm quản lý an sinh xã hội và phần mềm quản lý tiêm chủng Covid-19 với phần mềm quản lý dân cư của Bộ Công an để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị các dữ liệu liên quan.
Tuy nhiên, đối với dữ liệu danh sách người được tiêm vaccine phòng Covid-19 đang có trên Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và truyền thông quản lý.
UBND thành phố kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông chấp thuận chủ trương kết nối và chỉ đạo Tập đoàn Viettel cung cấp danh sách người được tiêm phòng Covid-19 (mũi 1, mũi 2) từ Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Hỗ trợ UBND thành phố trong việc thực hiện kết nối các nguồn dữ liệu giữa hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đảm bảo yêu cầu về tính chính xác, bảo mật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận