Hàng me tây ở đường Trường Sơn bị chết nghi do kẻ gian dùng hóa chất bức tử - Ảnh: An Huy |
Cây xanh bị đầu độc, dân bức xúc
Những ngày gần đây, PV Báo Giao thông trực tiếp khảo sát trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM có cây xanh có dấu hiệu bị đầu độc. Cụ thể, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, trước số nhà 450 (đoạn giao với Cống Quỳnh, Q.1) có tới 3 cây dầu cổ thụ (mang mã số 270, 272 và 274) đã bị chết đứng. Cũng tại đoạn đường này, cách đó hơn 10m, trước số nhà 442 - 444, một cây gỗ dầu mã số 258 cũng sắp chung số phận.
Tại đường Trường Sơn, phường 2, Q. Tân Bình (đối diện với Sân bay Tân Sơn Nhất), PV ghi nhận có tới 6 cây me tây đã rụng hết lá. Theo những người chạy xe ôm ở đây, 6 cây me bắt đầu héo lá vào khoảng đầu tháng 3. Họ nghi ngờ có người đã dùng hóa chất hại chết cây và tỏ ra tiếc nuối vì không còn bóng mát để trú ngụ hàng ngày.
"Ở Singapore, người ta quy trách nhiệm cho chủ nhà hoặc chủ tiệm kinh doanh nếu để cây xanh trước nhà mình chết và sẽ bị xử phạt rất nặng”. Ông Nguyễn Khắc Dũng |
Tương tự, trên đường Nguyễn Văn Trỗi (từ đoạn giao nhau với đường Hoàng Văn Thụ đến Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận), nhiều cây xanh có hiện tượng khô và rụng lá. Đường Phan Đình Giót có một số cây lá đang chuyển màu vàng...
Ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, việc phá hoại cây xanh tại TP.HCM đang diễn ra phức tạp. Nhiều cây xanh cổ thụ bị đốn hạ trái phép hoặc bị đổ hóa chất vào gốc khiến cây chết đứng. Mới đây 2 cây viết có mã số 205C và 207 trước số nhà 403 đường Cách Mạng Tháng Tám (Q10) bị chặt sát gốc; cây sọ khỉ có mã số 49 trước số nhà 45 đường Tân Quý, phường Tân Quý (Q Tân Phú) bị đốn hạ trái phép. “Ngay khi nhận được tin báo, Sở GTVT đã cho người đi kiểm tra, phát hiện dưới các gốc cây có mùi hóa chất, cỏ trồng xung quanh cây cũng bị chết”, ông Kỷ nói và cho biết thêm, các cây dầu cổ thụ có mã số 41 trước nhà số 17 và 19 đường Tôn Thất Tùng (Q1) cũng có dấu hiệu bị “đầu độc” bởi cây đang xuống lá dần và một nửa tán cây bị khô héo; 2 cây lim sét mã số 631 và 633 trước công trình đang xây dựng kế nhà số 37 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (Q2) bị héo lá đột ngột, có dấu hiệu bị xâm hại.
Quy trách nhiệm cho ai?
Phòng Quản lý Công viên cây xanh (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, trên các đường phố của TP.HCM có khoảng 130 nghìn cây xanh các loại. Toàn bộ số cây này được phân cấp cho 4 Khu Quản lý giao thông đô thị và Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn theo địa bàn khu vực quản lý (đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật khác). Các đơn vị quản lý sẽ hợp đồng với đơn vị nhận thầu có chuyên môn để duy tu bảo quản thường xuyên các cây xanh này. Hiện gần 100 nghìn/130 nghìn cây là do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh trực tiếp duy tu, chăm sóc.
Trước tình trạng cây xanh bị đầu độc, UBND TP HCM đã có văn bản giao Công an thành phố phối hợp Sở GTVT, UBND Q.10, Q.Tân Bình và các cơ quan liên quan điều tra, xử lý nghiêm đối tượng phá hoại. Mặc dù vậy, gần như vẫn chưa xử phạt được trường hợp nào vì thiếu chứng cứ, và danh sách các cây chết do bị đầu độc vẫn tiếp tục dài thêm. |
Nếu cây bị hư hại, chết do nguyên nhân kỹ thuật, chăm sóc, đơn vị nhận duy tu có trách nhiệm đền bù, thanh lý, trồng thay thế cây khác và bị phạt trừ thông qua công tác nghiệm thu duy tu hàng tháng. Trong trường hợp cây chết do bị xâm hại, đơn vị chăm sóc có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý và cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân; Đồng thời, đề xuất biện pháp khắc phục như thay đất, tưới rửa… để tạo điều kiện cho cây phục hồi. Đối với những cây không còn khả năng phục hồi, phải đốn hạ, trồng thay thế... Những cây gỗ quý bị chết, thân cây được dùng làm các công trình công cộng là chủ yếu.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng Quản lý Công viên cây xanh cho biết, ngay khi thấy dấu hiệu xâm hại, các đơn vị quản lý trực thuộc Sở GTVT thành phố đã có nhiều văn bản gửi chính quyền địa phương để thông tin trường hợp cây bị xâm hại. Tuy nhiên, thời gian qua, chưa có trường hợp nào được xử lý vì lý do thiếu chứng cứ, không bắt được quả tang… “Theo chỉ đạo của UBND thành phố, Công an Q. Tân Bình và Q. 1 đã liên hệ với Sở GTVT và Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 để tìm hiểu và nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, cho đến nay, Sở vẫn chưa nhận được kết quả phản hồi”, ông Dũng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận