Nhiều dự án đầu tư xây dựng giao thông theo hình thức BT tại TP.HCM đang “đứng hình”. Tiến độ của các dự án trong khoảng một năm qua không có nhiều tiến triển. Chẳng hạn như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, từ nút giao An Phú đến Vành đai 2 (Q.2), có chiều dài 3,4km. Tuyến đường này được khởi công vào tháng 4/2017, tuy nhiên sau 2 năm tiến độ vẫn còn ì ạch. Đến nay, mới hoàn thành phần kết cấu 2 cầu trên tuyến, phần đường vẫn còn ngổn ngang, chỉ mới thi công xử lý nền đất yếu.
Tuyến đường này được UBND TP.HCM ký hợp đồng với Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước theo hình thức BT. Tổng giá trị hợp đồng là 808 tỷ đồng. Để thanh toán hợp đồng BT dự án nói trên, UBND thành phố chấp thuận bàn giao cho Liên danh chủ đầu tư khu đất hơn 14,8 ha tại phường An Phú, quận 2.
Hay như đoạn Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa (Q.Thủ Đức) cũng được đầu tư theo hình thức BT, do Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Bắc Ái thực hiện. Dự án có chiều dài 2,7km với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng gồm cả chi phí GPMB. Để thực hiện dự án, Thành phố hoán đổi 6 khu đất trên địa bàn cho nhà đầu tư. Thế nhưng, thời gian gần đây, công trình thi công tuyến đường này đang “đứng hình”, chủ đầu tư cho biết trên công trường không tổ chức thi công.
Nguyên nhân theo ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái, là nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để thi công và ứng vốn GPMB cho thành phố. Tuy nhiên đến này Thành phố vẫn chưa có quyết định giao đất cho nhà đầu tư. “Chúng tôi đã bỏ ra hơn 2.000 tỷ đồng để thi công dự án và bồi thường GPMB, đến nay vẫn chưa nhận được quyết định giao đất. Một phần vốn nhà đầu tư vay ngân hàng và hiện trả lãi hàng trục tỷ đồng mỗi tháng, nếu thành phố chậm giao đất thì rất khó cho nhà đầu tư”, ông Thắng nói.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thừa nhận trong chương trình đột phá giai đoạn 2015 - 2020, Thành phố lên danh sách 172 dự án với 373 nghìn tỷ đồng, trong đó các dự án thực hiện theo hình thức PPP chiếm khoảng 70%, ngân sách chỉ 30%. Nhưng thực tế đến thời điểm này các dự án thực hiện theo hình thức PPP rất thấp. Nguyên do là dự án thực hiện theo hình thức BOT trên các tuyến đường mới đến nay tạm dừng.
Đối với các dự án BT, thời gian qua trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, đặc biệt là về mặt pháp lý, như cơ chế thanh toán đổi đất hiện vẫn còn lúng túng. Chẳng hạn như dự án BT xây dựng đoạn Vành đai 2 từ Phạm Văn Đồng đến Gò Dưa (Q. Thủ Đức), dự án BT xây dựng đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đến nay thành phố vẫn chưa có quyết định giao đất cho các chủ đầu tư.
Ông Lâm cho biết trong các hợp đồng BT đã xác định các khu đất được giao để hoán đổi. Tuy nhiên về phương thức thanh toán như thế nào thì thành phố đang chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn. “Hiện nay, thành phố đang rà soát tất cả các dự án BT theo Nghị quyết 160/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính tham mưu phương thức thanh toán đất cho các hợp đồng BT đã ký đúng theo Nghị định 69/NĐ-CP của Chính phủ”, ông Lâm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận