Đô thị

TP.HCM: Hóa giải ùn tắc khi thi công dự án chống ùn tắc

15/12/2023, 09:01

Các dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM nằm ở các vị trí cửa ngõ sân bay, cao tốc nên trong phương án thi công, nhiệm vụ chống ùn tắc được ưu tiên hàng đầu, tránh gây bức xúc cho người dân.


Thi công tránh giờ cao điểm

Đầu tháng 12, PV Báo Giao thông có mặt tại dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức). Đây là dự án giúp giảm ùn tắc cửa ngõ TP.HCM. Theo thiết kế dự án, nút giao này sẽ xây dựng hầm chui kết nối đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ phía hầm vượt sông Sài Gòn. Hầm chui được kéo dài xuyên qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.

TP.HCM: Hóa giải ùn tắc khi thi công dự án chống ùn tắc - Ảnh 1.

Vị trí dự kiến được lắp đặt cầu tạm bằng thép tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện.

Ngoài ra, dự án sẽ có thêm 2 cầu vượt gồm một cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc, một cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội).

Tại khu vực nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống sẽ xây dựng thêm 2 cầu vượt kết nối đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội) với đường Đồng Văn Cống và ngược lại. Một cầu mới cũng được bổ sung giữa 2 nhánh cầu Giồng Ông Tố hiện hữu.

Ghi nhận tại đoạn hầm hở đã thi công được hơn 240m, các công nhân đang khoan cọc nhồi các đốt hầm còn lại. Tại rào chắn ngăn cách công trường với làn giao thông hiện hữu, các công nhân liên tục kiểm tra các vị trí sơn phản quang, các mố trụ giữ rào chắn.

‎Ông Phạm Trường Giang, Phó ban điều hành dự án đường bộ 2 (Ban Quản lý đầu tư các dự án giao thông TP.HCM) cho biết: "Điều hành công trường tránh giờ cao điểm không đơn giản chút nào. Nếu thời điểm đổ bê tông tươi rơi vào khung giờ cao điểm, bắt buộc phải dời lại. Để đảm bảo không xảy ra xung đột giữa xe ra vào công trường với xe lưu thông trên đường, chấp nhận tạm thời "hụt" tiến độ ban ngày, bù lại vào ban đêm".

Thời gian qua, khi nhà thầu thi công đổ bê tông tươi các mố trụ lớn, tất cả các kỹ sư, giám sát và công nhân dự án đều phải thức xuyên đêm. Tại dự án nút giao An Phú, nhà thầu đã cắt cử 4 công nhân thường trực giám sát điều tiết tín hiệu ở cả hai hướng vào đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và hướng ra đường Mai Chí Thọ.

Anh Hà Đông Bắc, chỉ huy trưởng gói thầu XL6 hầm HC1-02, thuộc Công ty Hải Đăng cho biết, dù khá gian nan khi phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa thi công vừa đảm bảo chống ùn tắc nhưng tiến độ khá tốt. Hiện nhà thầu đã thi công xong giai đoạn 1 với chiều dài 120m hầm hở, bố trí 40 nhân sự trên công trường.

Nhà thầu đang chuẩn bị hoàn trả phần diện tích làn đường trước đây đã được trưng dụng cho phạm vi công trường.

Dựng cầu vượt tạm khi thi công hầm chui

Cũng thi công hạng mục hầm chui nhưng dự án đường nối từ Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa (quận Tân Bình) gặp nhiều áp lực về mặt bằng và phương thức chống ùn tắc hơn dự án nút giao An Phú.

TP.HCM: Hóa giải ùn tắc khi thi công dự án chống ùn tắc - Ảnh 2.

Nút giao An Phú chuẩn bị hoàn trả phần làn đường trước đây trưng dụng cho công trường.

Được khởi công từ tháng 12/2022 nhưng gói thầu số 9 xây dựng hầm chui tại nút giao Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện không dễ dàng triển khai bởi nằm giữa hai bên công viên Hoàng Văn Thụ. Sau nhiều tháng thống nhất phương án thi công với Sở Xây dựng và Sở GTVT, gói thầu mới được phép giải tỏa một khoảng nhỏ công viên nhằm bù lại diện tích làn đường cho rào chắn thi công.

Ghi nhận của PV, khu vực thi công nằm ngay cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, lượng phương tiện lên đến hàng chục nghìn xe mỗi ngày. Vào các ngày cuối tuần hay cao điểm ngày lễ, chỉ cần sơ suất nhỏ của nhà thầu thi công có thể dẫn đến hậu quả ùn tắc nghiêm trọng.

Giữa những tiếng còi xe inh ỏi phía trên, đơn vị thi công hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện đã đào âm xuống hơn 10m. Để đảm bảo an toàn giao thông khi thi công, nhà thầu đã dựng vách tôn ngăn cách với làn đường xe cộ di chuyển.

Ông Mai Anh Minh, chuyên viên Ban điều hành dự án đường bộ 1 (Ban quản lý đầu tư các dự án giao thông TP.HCM) cho biết, hiện công trình hầm chui đã đạt 50% khối lượng. Để tránh ùn tắc, đơn vị đã chấp thuận phương án dựng cầu thép 5 làn xe bắc ngang qua đoạn đào hầm, giữ cho lưu lượng phương tiện của người dân thông suốt.

Theo ông Tạ Anh Dũng, Công ty Cổ phần Tập đoàn CK4, đại diện liên danh nhà thầu thi công, đây là lần đầu tiên giám sát thi công một gói thầu đặc thù nằm ngay điểm nóng ùn tắc lớn nhất cả nước.

Về phương án cầu vượt tạm bằng thép, ông Dũng cho rằng, phương án đã thể hiện trách nhiệm rất cao của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý.

Theo ông Dũng, nếu chọn phương án phân luồng tuyến đi vòng qua công trình sẽ gây xáo trộn rất lớn đến di chuyển hàng ngày của người dân. Trong khi đó, nếu chọn phương án rào chắn một nửa mặt đường để thi công đoạn hầm ngầm sẽ tạo ra nút thắt cổ chai ùn ứ.

Đại diện Đội CSGT Tân Sơn Nhất, đơn vị phụ trách các tuyến đường chính cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, tuyến đường Trần Quốc Hoàn đã xuất hiện tình trạng quá tải vào các khung giờ cao điểm khoảng 2 năm nay. Công trình hầm chui nút giao Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện khi hoàn thành sẽ hóa giải được tình hình.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.