Đô thị

TP.HCM: Hợp tác xã xe buýt gặp khó vì cơ chế đấu thầu

23/01/2024, 08:02

Các hợp tác xã xe buýt tại TP.HCM gặp khó khăn khi phải đấu thầu để tiếp tục vận hành các tuyến buýt. Do năng lực tài chính hạn chế, họ đứng trước nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi.

Xã viên thất nghiệp, bán xe

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố. Công ty CP xe khách Phương Trang trúng 4 gói thầu và Công ty CP xe khách Sài Gòn trúng 1 gói thầu. Các hợp tác xã (HTX) xe buýt không đủ điều kiện tài chính để tham gia và sẽ buộc phải ngưng hoạt động.

TP.HCM: Hợp tác xã xe buýt gặp khó vì cơ chế đấu thầu- Ảnh 1.

TP.HCM hướng đến sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch.

Ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó giám đốc HTX Vận tải số 15 cho biết, do tư vấn mời thầu và chủ đầu tư (Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT TP.HCM) sắp xếp các tuyến vào gói thầu quá lớn về kinh phí và số lượng tuyến lớn (3-5 tuyến/gói) nên các HTX không đủ khả năng tham gia đấu thầu trọn gói.

Theo ông Tạo, từ năm 2014 đến nay, các HTX còn phải lo trả gốc và lãi ngân hàng cho dự án đầu tư xe buýt mới của UBND TP.HCM. Đồng thời, họ cũng gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nên không đủ vốn để đầu tư phương tiện mới, tham gia đấu thầu các gói trên.

"Trước đây, các HTX tập trung nguồn lực thay đổi xe buýt lớn, xe buýt đúng tiêu chuẩn và thân thiện với môi trường. Nay khi tư vấn và chủ đầu tư sắp xếp các tuyến mời thầu theo gói thầu kể trên, các HTX không thể tham gia được. Các gói tiếp theo đấu thầu cho 128 tuyến khác cũng vậy, chúng tôi không thể tham gia đồng nghĩa là xã viên thất nghiệp", ông Tạo nói.

Đại diện HTX Vận Tải 19/5 cho biết, HTX thường không có tài sản, chủ yếu xã viên góp bằng xe chạy, luôn yếu hơn các tổ chức kinh tế khác. Cũng do chủ yếu là dịch vụ hỗ trợ, quỹ không có, tài sản không có, nên việc tiếp cận các nguồn tài chính của HTX rất khó khăn.

"Năm 2011, thị phần của các HTX chiếm đến 82% sản lượng hành khách công cộng. Có thể thấy năng lực tham gia vận tải công cộng của HTX rất quan trọng. Do đó, cần có chính sách ưu tiên cho các HTX được tiếp tục tham gia hoạt động này", vị này đề xuất.

Bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc HTX Vận tải và du lịch Thanh Sơn cho biết, niên hạn xe sau khi trả góp hết 7 năm nhưng không đủ điều kiện đấu thầu (xe đấu thầu phải trong thời hạn 5 năm). Nếu không trúng thầu thì xe buýt cũ cũng không bán được, đặc biệt là xe CNG do hạn chế về trạm bơm khí CNG.

"Vừa rồi, chúng tôi rớt thầu 2 tuyến. Hai tuyến này có 44 xã viên. Không tham gia được thầu, các thành viên HTX cũng tâm tư lắm nhưng phải chấp nhận, giờ đơn vị chỉ biết động viên các xã viên bán xe và chuyển đổi nghề khác phù hợp", bà Thanh chia sẻ.

Cần chính sách hỗ trợ

Ông Lê Tuấn Tài, Phó chủ tịch Liên minh HTX TP.HCM cho rằng, các HTX đã cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để xây dựng nên hệ thống xe buýt công cộng thành phố ngày nay. Do đó, khi tổ chức đấu thầu hoặc chuyển đổi sang xe buýt xanh và sạch (xe điện hoặc xe CNG), ngành GTVT thành phố cần phải có những chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, xem xét điều chỉnh quy mô các gói thầu cho phù hợp; Điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu, đối với xe chạy dầu và CNG lên 10 và 15 năm, do các xe buýt của HTX đa phần đã hết kỳ vay ngân hàng sau 7 năm nhưng chất lượng xe vẫn còn sử dụng tốt.

Việc điều chỉnh này sẽ tạo cơ hội cho các HTX tiếp tục phát huy hiệu quả tài sản đầu tư còn khấu hao chưa hết, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tập thể.

Để tham gia đấu thầu, theo ông Tài, trong thời gian tới, phía các HTX cũng cần phải củng cố hoạt động, nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức, chuyên môn kỹ thuật, tài chính.

Đại diện Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, Luật Đấu thầu không cấm việc các HTX liên doanh lại với nhau. Hay nói cách khác, các HTX có quyền liên doanh về mặt tài chính để tham gia đấu thầu. Chủ đầu tư luôn ưu tiên cho các HTX. Việc những HTX không tham gia đấu thầu hoặc rớt thầu, buộc phải ngưng hoạt động sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của vận tải hành khách công cộng của thành phố.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa tổ chức đấu thầu 22 tuyến xe buýt. Trong đó, đối với gói 1 (tuyến 6, 10, 50, 52, 91) có giá trên 472 tỷ đồng, nhà thầu phải cung cấp 73 xe và 108 lái xe. Kinh phí trợ giá là 70,359 tỷ đồng trong năm đầu và giảm dần qua các năm, cho đến năm 2028 là 64,71 tỷ đồng.

Tương tự gói số 6 (tuyến 16, 41, 61, 73 và 151) có giá là 373,345 tỷ đồng. Trong đó, nhà thầu phải cung cấp 66 xe và 122 lái xe. Kinh phí trợ giá là 53,535 tỷ đồng trong năm đầu và giảm dần qua các năm, đến năm 2028 là 46,464 tỷ đồng.

Các xe tham gia đều được sản xuất từ năm 2016 trở lại đây, riêng xe hoạt động trên tuyến 6, 10, 151, 102 là từ năm 2019 trở lại đây. Thời gian thực hiện hợp đồng 5 năm.

Dự kiến năm 2024 sẽ có 36 tuyến xe buýt được đấu thầu và những năm tiếp theo tiếp tục tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt còn lại trong tổng số 128 tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.