Phố đi bộ thành phố ăn nhậu
Từ tháng 8/2017, phố đi bộ Bùi Viện thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 là điểm đến được yêu thích của nhiều du khách nước ngoài và giới trẻ tại TP.HCM. Cùng với đó là quy định cấm phương tiện giao thông từ 19h hôm trước đến 2h hôm sau.
Kỳ vọng của Sở Du lịch TP.HCM là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kinh doanh du lịch tại chỗ. Đồng thời, yêu cầu địa phương quản lý chặt chẽ, không để các cơ sở kinh doanh tràn xuống lòng đường. Nhưng sau 5 năm, việc quản lý lòng đường đã thất bại.
Cách giao lộ Bùi Viện - Đề Thám vài chục mét, một quán bia bày gần chục bộ bàn ghế la liệt. Người đi bộ còn lại khoảng trống chưa đầy 2m. Tình trạng này kéo dài đến quá nửa phố đi bộ. Chưa kể, xe đẩy hàng rong, các nhóm biểu diễn phun xăng thổi lửa, người bán vé số, trái cây liên tục làm phiền du khách, khung cảnh trở nên bát nháo.
Tình trạng trên không chỉ xuất hiện tại phố đi bộ Bùi Viện mà còn tiếp diễn trên tất cả các tuyến đường đã có phố đi bộ như phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung (quận 10), phố đi bộ kết hợp ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3).
Phố đi bộ ở quận 10 vốn là một vòng xoay nhỏ, nằm kế bên chợ Nguyễn Tri Phương. Với chiều dài khoảng 100m, khu vực tập trung phần lớn là các gian hàng ẩm thực. Khu vực này giống như một chợ đêm hơn là phố đi bộ, bởi không gian nhỏ, không có tính kết nối với các khu vực xung quanh.
Anh Hoàng Minh, hướng dẫn viên du lịch (32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết: "Do tính chất công việc nên tôi thường dẫn du khách đến các phố đi bộ để tìm hiểu ẩm thực, đời sống người dân. Tuy nhiên, nhiều hiện tượng thực tế khiến du khách có cái nhìn không thân thiện, vô tình hiểu sai về sự phát triển của thành phố".
Theo anh Minh, tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực do một tập đoàn tư nhân triển khai ở phường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức) dù không chịu sự giám sát về trật tự đô thị của cơ quan chức năng nhưng tuyệt đối không có hàng rong hay cảnh chèo kéo.
"Lợi thế của phố đi bộ trên là nằm trong nội khu dự án bất động sản, chủ yếu phục vụ cư dân. Tuy nhiên, thành phố nên tham khảo về cách thiết lập các vành đai quản lý tương tự để phố đi bộ thực sự có không gian cho người đi bộ", anh Minh nói.
Tạo ra các tuyến phố thân thiện
Ông Nguyễn Viết Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm, riêng trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực công viên Bạch Đằng, UBND phường Bến Nghé đã xử lý vi phạm hành chính đối với 271 trường hợp buôn bán hàng rong, tạm giữ 5.839 vật dụng, hàng hóa. Tuy nhiên, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn vì hàng rong tràn vào từ mọi hướng, nhân lực có hạn.
Ông Lê Hữu Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 thì kỳ vọng, khi thành phố triển khai cho thuê vỉa hè, nếu mức giá phù hợp, cũng có thể là một lối thoát giải quyết tình trạng hàng rong hiện nay tại phố đi bộ.
KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners chia sẻ, các tuyến phố đi bộ hiện hữu của TP.HCM chưa thành công do không gian chưa thực sự thân thiện với người đi bộ. Tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh vẫn còn, tiện ích chưa đầy đủ.
Đánh giá về đề án hình thành 22 tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm mà Sở GTVT TP.HCM đề xuất, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thay vì làm 22 tuyến đi bộ, thành phố cần đặt vấn đề là 100% tuyến đường nội thành thân thiện với người đi bộ. Và để hình thành được các tuyến đường thân thiện với người đi bộ, việc TP.HCM cần làm ngay là chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường đang tồn tại ở mọi nơi.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, hội viên Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM phân tích, với đặc điểm hình thái đô thị tại TP.HCM, cơ quan quản lý Nhà nước cần chấp nhận khái niệm vỉa hè đa năng.
"Tức là vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà còn dành cho các hoạt động kinh doanh buôn bán, giữ xe… Có thể đưa thêm quy định không cho thuê lại mặt bằng với giá cao hơn để đảm bảo cho người bán hàng đỡ thiệt hại, đảm bảo sinh kế và cơ hội kinh doanh cho những người bán hàng rong, những người yếu thế trong xã hội, từ đó chấm dứt tình trạng hàng rong lộn xộn tại các phố đi bộ", ông Nguyên nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận