Khẳng định trên được bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL An toàn thực phẩm) TP.HCM trả lời báo chí trong buổi họp báo định kỳ chiều 4/4.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, vừa qua loạt bài phản ánh một đường dây chuyên cung cấp thịt heo bẩn với quy mô lớn nhất phía Nam hoạt động ngầm, cung cấp sỉ cho các sạp bán thịt, quán ăn, cơ sở sản xuất giò chả.
Nội dung bài báo cho rằng, một số cán bộ thú y và chủ lò mổ tập trung cũng tiếp tay cho đường dây này để tuồn heo chết ra ngoài tiêu thụ.
Vấn đề này sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã chỉ đạo xử lý, xem xét kỷ luật các cán bộ thú y theo quy trình.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM
Theo bà Lan, thành phố đã xây dựng kế hoạch hình thành các cơ sở giết mổ tập trung và huỷ bỏ các cơ sở nhỏ lẻ. Tuy nhiên, yêu cầu phải là cơ sở giết mổ công nghiệp nên vẫn chưa hoàn thành.
Bên cạnh đó, BQL An toàn thực phẩm thành phố đã xây dựng đề án truy xuất thịt heo để kiểm soát từ trang trại đến nơi giết mổ và đưa ra tiêu thụ. “Quá trình thực hiện vẫn còn những trường hợp như báo chí phản ánh thời gian qua”, bà Lan nói.
Về việc phóng viên điều tra trên địa bàn thành phố phát hiện nhiều cơ sở cung cấp thịt heo bẩn, bà Lan trả lời đã cho kiểm tra đột xuất và buộc 2 cơ sở ngừng kinh doanh thịt heo.
Còn 2 cơ sở ở huyện Hóc Môn kiểm tra phát hiện hơn 950 kg thịt heo bẩn, cơ quan chức năng đã tiêu huỷ và xử phạt 50 triệu đồng.
Trước đó, ngày 17/3 tại phường 21, quận Bình Thạnh, một cơ sở kinh doanh thịt cũng đã bị xử phạt khi không xuất trình nguồn gốc xuất xứ.
Bà Lê Thiện Huỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở y tế TP.HCM
Trước thông tin hàng trăm nhân viên y tế xin nghỉ việc trong quý I, bà Lê Thiện Huỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế cho biết trong tuần này, HĐND TP.HCM sẽ tổ chức họp và thông qua các chính sách hỗ trợ nhằm giữ chân nhân lực y tế.
Theo bà Như, hàng năm các cơ sở y tế công lập đều có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, với rất nhiều lý do khác nhau. Có người nghỉ do nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp, trong đó có nguyên nhân thu nhập chưa như mong đợi.
"Qua đợt dịch, thu nhập của y bác sĩ các bệnh viện, cơ sở y tế cũng sụt giảm, việc nhân viên y tế nghỉ việc là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ngành y tế cũng đang tập trung tham mưu các chính sách để hỗ trợ cho nhân viên y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở", bà Như chia sẻ.
Trước nhiều ý kiến phụ huynh hỏi về thời gian tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi, đại diện Sở Y tế cho biết, thành phố vừa có văn bản khẩn gửi các sở, ngành liên quan về kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho độ tuổi này.
Cụ thể, dự kiến số lượng trẻ cần tiêm tại TP.HCM là hơn 898.000 trẻ, trong đó khoảng 885.000 trẻ đi học và hơn 12.000 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.
Theo văn bản của UBND TP.HCM, lộ trình triển khai tiêm vaccine dự kiến bắt đầu tổ chức tiêm ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vaccine, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9.
Đối với trẻ đi học, tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương.
Đối với trẻ không đi học, tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn thành phố.
Riêng trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện sẽ tiêm tại bệnh viện, kể cả trẻ cư trú tại tỉnh, thành khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận