Đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp, TP.HCM) đang được nâng cấp, mở rộng lên 6 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng.
Tuyến đường này dự kiến sẽ là một trong những trục đường xương sống của quận Gò Vấp, chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường lân cận như Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn, Lê Đức Thọ...
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông, chủ đầu tư), dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm có tổng chiều dài khoảng 2,5km, nối từ quận Bình Thạnh đến Công viên văn hóa Gò Vấp.
Đến nay, đoạn đầu dự án tiếp giáp với đường ray xe lửa (đoạn qua quận Bình Thạnh) gần như đã hoàn thành. Các nhà thầu đang tập trung thi công hệ thống thoát nước, mở rộng mặt đường trong phạm vi được bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, nhà thầu còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do vướng lưới điện trung, hạ thế nổi hiện hữu chưa được thu hồi, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.
Ban Giao thông đề nghị phía điện lực khẩn trương kéo cáp ngầm trong phạm vi đã được bàn giao cống, bể kỹ thuật xong trước ngày 25/11 để kịp trải bê tông nhựa mặt đường và lát gạch vỉa hè trong phạm vi không vướng mặt bằng.
Ngày 30/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Điền Anh, Phó giám đốc Ban QLDA lưới điện phân phối TP.HCM (Tổng Công ty Điện lực TP.HCM) cho biết, đối với dự án đường Dương Quảng Hàm, đơn vị không thể hoàn thành di dời, ngầm hóa hệ thống điện trong năm 2024.
Theo ông Anh, về nguyên tắc, khi nào bên bàn giao mặt bằng cho phía điện lực, khi đó đơn vị mới triển khai kéo cáp, thi công được. Quá trình này mất khoảng 6 tháng, do đó phải đến quý II/2025 mới có thể hoàn tất.
Ông Anh nhấn mạnh, thi công điện lực không giống thi công đường, việc kéo điện, đấu nối phải thông tuyến mới làm được; không thể làm theo kiểu có mặt bằng đoạn nào làm đoạn đó. Việc lưới ngầm, sang dây - đổi qua dây ngầm, thêm vào đó không thể cắt điện liên tục để làm vì phải cung cấp điện cho dân sử dụng.
Hệ thống trụ điện án ngữ trên đường Dương Quảng Hàm. Clip: Mỹ Quỳnh
"Hiện nay, khó khăn thứ nhất là mặt bằng chưa hoàn thiện, chưa bàn giao hết; thứ hai, công tác mua sắm thiết bị điện từ nước ngoài cần theo quy trình, đấu thầu, phải đến hết năm mới có đủ vật tư điện. Ví dụ như đường Tân Kỳ Tân Quý, chúng tôi nhận mặt bằng từ tháng 6/2024, đến 15/11 tới đây mới hoàn thành được. Đường làm xong mới có thể làm phần điện, không thể nào đường vừa làm xong là phần điện xong được liền", ông Anh nói.
Được biết, hiện nay phía điện lực đang phối hợp với nhà thầu, đường thi công đến đâu sẽ ngầm hóa hệ thống ống, cáp đến đó; đảm bảo sau khi phần đường thảm nhựa xong không bị đào lên để ngầm hóa điện.
Sau khi phần đường hoàn thành, điện lực TP mới lắp thiết bị sang lưới điện từ trung thế sang hạ thế.
Vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đã có buổi kiểm tra dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm. Lãnh đạo UBND TP yêu cầu Tổng công ty điện lực TP.HCM nghiên cứu phương án di dời trong thời gian sớm nhất để bàn giao mặt bằng cho Ban Giao thông để tuyến đường thông xe vào cuối năm 2024 như kế hoạch.
Đến nay, UBND quận Gò Vấp đã bàn giao mặt bằng cho Ban Giao thông với số lượng là 388/425 trường hợp, còn 37 trường hợp chưa được bàn giao, với tổng chiều dài chưa thi công được dài khoảng 590m.
UBND quận Gò Vấp đã xét duyệt và ban hành quyết định bố trí nền đất tái định cư cho các hộ dân. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng ký hợp đồng tái định cư cho 25 trường hợp; bàn giao nền đất cho 24 trường hợp...
Tất cả các hộ dân chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng đã được tiếp xúc và đều đồng ý nhận tiền, cam kết bàn giao mặt bằng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận