Đường bộ

TP.HCM: Kiểm tra cầu yếu, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

11/09/2024, 21:38

Sở GTVT TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các cây cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn trong mùa mưa bão.

Sở GTVT vừa đề nghị các đơn vị khảo sát hiện trạng và có ngay biện pháp đảm bảo an toàn khai thác đối với các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng, cầu bắc qua các tuyến giao thông thủy trọng yếu, cầu vượt trên cạn và hầm đường bộ trên địa bàn thành phố.

TP.HCM: Kiểm tra cầu yếu, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão- Ảnh 1.

Sở GTVT TP.HCM đề nghị kiểm tra và có biện pháp đảm bảo an toàn với những cây cầu yếu, không đồng bộ tải trọng. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đặc biệt, lưu ý các cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng lâu ngày nhưng chưa sửa chữa, bảo trì; sửa chữa ngay các hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ sự cố công trình, mất an toàn giao thông công trình trong mùa mưa, bão năm 2024. Lưu ý các cầu sắt cũ, lâu năm, như cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Vàm sát (cũ)...

Sở GTVT lưu ý thêm, khi phát hiện công trình có nguy cơ sụp đổ, mất an toàn giao thông gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, các đơn vị phải tạm dừng ngay việc khai thác công trình và có biện pháp ngăn chặn người, phương tiện lưu thông, cảnh báo, rào chắn công trình kịp thời; đồng thời có phương án tổ chức phân luồng giao thông tạm thay thế.

TP.HCM: Kiểm tra cầu yếu, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão- Ảnh 2.

Các cây cầu không đảm bảo an toàn phải tạm dừng khai thác. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Sở GTVT cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị thường xuyên phối hợp với UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và các đơn vị đang thực hiện hợp đồng quản lý, bảo trì cầu đường bộ để tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu, hầm đường bộ, đặc biệt là cầu giao thông nông thôn trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn khai thác trong mùa mưa bão. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.