Văn bản kiến nghị của TP.HCM đưa ra trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, trong đó, nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế.
Lãnh đạo TP.HCM thăm hỏi các hộ gia đình gặp khó khăn tại khu trọ 101/60 phường 9, quận 5
Để người dân, lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời TP sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hỗ trợ từ ngân sách số tiền 28.000 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo.
Đồng thời, có chính sách thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm… để người dân yên tâm tại chỗ, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Số tiền và gạo nói trên dùng để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cụ thể, số lao động nghèo dự kiến hỗ trợ là 1.580.100 hộ, lao động nghèo 4.749.330 người. Mức hỗ trợ bao gồm tiền ăn 50.000 đồng/hộ/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, gạo 15 kg/người.
TP.HCM là trung tâm của đợt dịch thứ 4, bùng phát, lây lan trong cộng đồng, số lượng người mắc bệnh và tử vong tăng nhanh.
Dịch bệnh, kèm theo các đợt giãn cách đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, ảnh hưởng tốc độ thu ngân sách. Số thu ngân sách giảm dần, dự kiến sẽ không đạt dự toán Trung ương giao.
Trước đó, ngày 15/8, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp người dân khó khăn để nhanh chóng hỗ trợ.
Theo đó, tất cả người lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ được TP.HCM hỗ trợ chỗ ở, lương thực và tiền mặt trong thời gian giãn cách, không cần phải trở về quê lúc này.
Thời gian được hỗ trợ là tháng 8 và 9, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
TP.HCM mong muốn ai có khó khăn đều được hỗ trợ để người dân yên tâm “ai ở đâu thì ở tại đó”, cùng với TP phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đợt bùng dịch lần thứ 4 có tốc độ lây lan nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường.
Theo đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân lao động nghèo, dẫn đến tình trạng nhiều người phải rời TP để sang các tỉnh hoặc về quê.
Để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có giãn cách xã hội trên toàn địa bàn với các cấp độ thắt chặt tăng dần.
Cụ thể, từ 31/5 đến 14/6 giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 từ 15/6 đến 8/7 giãn cách xã hội theo chỉ thị số 10 của UBND TP.HCM.
Từ 9/7 đến 15/9 giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận