Đó là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc giữa đoàn công tác Chính phủ với TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố vào sáng 16/4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ trong buổi làm việc với TP.HCM (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh vai trò của TP.HCM rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước nên rất cần có những cuộc làm việc thường xuyên giữa Chính phủ và thành phố để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Chính quyền và người dân thành phố nỗ lực vượt khó
Theo báo cáo của Thành uỷ TP.HCM, trong quý I/2023, tình hình phát triển kinh tế của thành phố gặp khó khăn, GRDP trên địa bàn ước tăng 0,7% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,08%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 124.796 tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm...
Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sụt giảm; tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước có phần giảm sút.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập, quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
Trước những khó khăn đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, TP.HCM cũng như kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng có khăn sau 2 năm gồng mình đẩy lùi dịch bệnh. Hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn rất lớn, không phải ngày một, ngày hai có thể khắc phục được.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát các dự án giao thông tại TP.HCM chiều 15/4
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu từ những yếu tố khách quan, chủ quan, thành phố cần phân tích kỹ, xử lý từng yếu tố tác động tới nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như kinh tế TP.HCM nói riêng.
Thủ tướng dẫn chứng rằng từ đầu năm đến nay Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, tháo gỡ nhiều nút thắt về pháp lý cho các ngành, lĩnh vực, vậy các chính sách này đã vào tới TP.HCM hay chưa? Vào đến đâu? Mức độ thế nào? Quá trình vận hành, áp dụng các chính sách còn vướng mắc gì, cần bổ sung gì không?
"Phối hợp giữa TP.HCM với Chính phủ, với các Bộ, ngành cần rút kinh nghiệm, thúc đẩy cái gì để tốt hơn?
Trước tình hình như vậy, cần có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả. Cần tìm lời giải theo phương châm như vậy", Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề.
Nhiều dự án giao thông vẫn còn vướng mắc
Làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có kiến nghị thẳng thắn.
Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng xem xét cho thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá thành phố nhằm thực hiện đúng vai trò đầu tàu như Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định.
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng như: Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài; mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, xây dựng Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường sắt TPHCM - Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, ga đường sắt Thủ Thiêm, Bình Triệu, cùng các dự án đường sắt đô thị.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị những vướng mắc cần Trung ương tháo gỡ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Đối với thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, thành phố kiến nghị Thủ tướng cho thành lập Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa, chuyển mục đích sử dụng đất.
Song song với đó cũng cần phải sắp xếp lại các cơ sở nhà đất của các bộ, ngành trên địa bàn thành phố nhằm tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản.
Đồng thời, kiến nghị xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.
Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà, chủ động quyết định giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn thành phố năm 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận