Xã hội

TP.HCM: Mỏi mòn chờ các dự án bãi đỗ xe ngầm

29/03/2018, 13:46

Dù được động thổ từ 2008, sau chục năm, dự án bãi đỗ xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám vẫn bất động.

9

Bãi đỗ xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám vẫn chưa xác định thời điểm khởi công - Ảnh: Đỗ Loan

Nhà đầu tư lo ngại không có khả năng hoàn vốn

Dự án xây dựng và khai thác tầng ngầm làm bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng tại công viên Lê Văn Tám do Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) đầu tư thực hiện. Dự án đã được ký kết hợp đồng BOT năm 2009 và ký Phụ lục hợp đồng vào tháng 3/2016. Theo thiết kế, dự án có quy mô đầu tư 4 tầng ngầm, bao gồm 2 khu, sức chứa khoảng 1.300 xe ô tô, 2.000 xe máy, với tổng vốn đầu tư 1.748 tỷ đồng.

2 dự án bãi đỗ xe Tao Đàn và Hoa Lư cũng bị chậm lại do 2 nhà đầu tư xin rút lui từ năm 2015 vì nhận thấy khả năng thu hồi vốn không khả thi. Đối với hai dự án trên, theo Sở GTVT, hiện nay Công ty TNHH Đầu tư văn hóa và thể thao Sài Gòn đang lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư. Thời hạn giao nộp báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, tiến độ hoàn thành chậm và nhà đầu tư đã đề xuất gia hạn thời gian hoàn thành đến tháng 6/2018, khi đó dự kiến thời gian lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2018 và hoàn thành năm 2020.

Ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông, Sở GTVT TP.HCM cho biết, Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để khởi công công trình theo dự kiến và chưa chứng minh được nguồn tài chính để triển khai.

Trước câu hỏi của PV, vì sao dự án triển khai cả chục năm chưa xong, ông Nguyên nhận định: Đây là dự án trong danh mục kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nhu cầu vốn lớn, chi phí cao, nhưng nguồn doanh thu chủ yếu chỉ từ phí dịch vụ trông giữ xe. Dù đã có tính toán một phần diện tích phục vụ thương mại, nhưng khả năng thu hồi vốn của dự án thấp và thời gian khai thác kéo dài (dự kiến 50 năm mới đủ thu hồi vốn). Điều này khó đảm bảo hiệu quả thu hồi vốn của nhà đầu tư. Giờ có tìm một nhà đầu tư khác, họ cũng rất ra e ngại.

Trao đổi với PV, ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS), chủ đầu tư dự án bãi đỗ xe ngầm công viên Lê Văn Tám cho biết: “Dự án vẫn đang hoàn thành một số thủ tục. Đơn cử như hoàn chỉnh, trình thẩm định thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, xin giấy phép xây dựng… Trong số các thủ tục đó, vấn đề về cân đối nguồn vốn để đầu tư bãi đỗ xe với giá cạnh tranh gửi xe ngoài thị trường từ 20.000 - 30.000 đồng/lượt, chủ đầu tư không có khả năng cạnh tranh. Do vậy, chi phí bỏ ra và khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư không khả thi nên chưa xác định được thời điểm thực hiện”.

Cuối năm 2018, khởi công bãi đỗ xe ngầm Trống Đồng?

Dự án bãi đỗ xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng do nhà đầu tư Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương thực hiện. Nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án theo hình thức thuê, giao đất có thu tiền sử dụng đất. Theo thiết kế, dự án có quy mô đầu tư xây dựng 7 tầng ngầm, 3 tầng nổi, phục vụ 890 xe ô tô, 400 xe máy. Tổng vốn đầu tư dự kiến740 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).

Theo ông Nguyên, dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2017, nhưng dự án bị chậm lại do một phần công trình nằm trong vùng phạm vi bảo vệ tuyến Metro số 2 đi ngầm nên phải điều chỉnh lại thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên, nhà đầu tư chậm triển khai việc lập và giải trình điều chỉnh thiết kế kỹ thuật. Vì vậy, đến nay vẫn chưa hoàn tất cấp giấy phép xây dựng và khởi công công trình.

Mặt khác, TP.HCM đang muốn tích hợp khu vực này, vừa thực hiện chức năng trông giữ xe, vừa check-in thủ tục sân bay để trung chuyển hành khách từ trung tâm TP ra sân bay Tân Sơn Nhất nhằm kéo giãn áp lực lên sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện nay, ngành Hàng không ủng hộ chủ trương này và các đơn vị liên quan đang làm thủ tục cùng nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn. Vì vậy, thời gian dự kiến khởi công dự án sẽ chuyển qua năm 2018 và hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.