Đô thị

TP.HCM muốn xây siêu cảng Cần Giờ thành cảng "xanh" thế nào?

23/08/2023, 20:23

TP.HCM nhấn mạnh xuyên suốt quan điểm phát triển siêu cảng Cần Giờ phải theo hướng bền vững, sử dụng 100% nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường.

Ngày 23/8, UBND TP.HCM có tờ trình gửi Thủ tướng về đề án nghiên cứu xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự kiến giai đoạn 1, trước năm 2030 (cảng được đầu tư 2 bến chính trên tổng 7 bến chính). Giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) tiếp tục đầu tư và hoàn thành phần còn lại.

img

Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

UBND TP nhấn mạnh quan điểm phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường được xem xét như bộ phận cấu thành không tách rời quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng. Mục tiêu là biến nơi đây trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

TP.HCM cho biết vị trí cảng được đề xuất là khu vực cù lao Con Chó, ở cửa sông Cái Mép (huyện Cần Giờ). Đây là khu vực nằm trong vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi.

Hoạt động hàng hải khu vực này đã đưa vào khai thác ổn định. Việc xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác theo hướng bền vững.

Theo đề án, hoạt động của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chủ yếu đi bằng đường thủy. Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu đi lại, phục vụ hậu cần cảng, TP sẽ nghiên cứu đầu tư, nâng cấp đường bộ kết nối khu vực này.

Từ nay đến 2030, TP hoàn thiện cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè sang Cần Giờ; đầu tư nút giao đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh; mở rộng các cầu trên Rừng Sác.

Sau năm 2030, TP xây đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng và đầu tư đường trên cao đi dọc đường Rừng Sác. Đồng thời, nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt đô thị kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ vào tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.

Theo đề án, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành sẽ tạo môi trường và thu hút nhiều doanh nghiệp vận tải, logistics, thương mại... lớn trên thế giới, góp phần thúc đẩy sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Cảng được kỳ vọng tạo việc làm cho 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan... Sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh).

Về nguồn vốn, cảng, công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan đầu tư bằng nguồn vốn của nhà đầu tư. Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2030 của Bộ GTVT, công suất khai thác cảng biển TP.HCM năm 2020 là 117 triệu tấn, hàng container là 6,8 triệu Teu; đến năm 2030 là 160 triệu tấn.

img

Phương án giao thông kết nối cảng trung chuyển Cần Giờ.

Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xác định là hạt nhân quan trọng, mang tính quyết định tương lai phát triển kinh tế biển huyện Cần Giờ và cả TP.HCM. Trung tâm kinh tế hàng hải Cần Giờ được phát triển theo mô hình khu mậu dịch tự do, bao gồm trung tâm cảng nước sâu, trung tâm logistics và trung tâm dịch vụ hỗ trợ.

Ngoài ra, định hướng của TP.HCM hướng đến đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ trở thành tầm cỡ khu vực và quốc tế. Thành phố cũng kỳ vọng Cần Giờ có thể góp phần tạo sự tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ được những lợi thế về tự nhiên và văn hóa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.