TP.HCM hiện có 19 tuyến xe buýt có niên hạn sản xuất từ năm 2003. Trong đó, hai tuyến số 10, 99 có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, khiến hành khách không còn mặn mà với loại hình vận tải công cộng này.
Cả chuyến xe 25km chỉ 1 hành khách
Nhiều sinh viên không hài lòng đi trên tuyến buýt số 99 vì xe cũ, nóng nực
Một buổi trưa nắng nóng, trực tiếp lưu thông trên xe buýt số 99 đi từ Đình Phong Phú đến bến chợ Thạch Mỹ Lợi (TP Thủ Đức), cảm nhận đầu tiên của PV Báo Giao thông là mùi nồng nặc của xăng xe, tiếng ồn phát ra từ động cơ, sự nóng nực, bí bách do điều hòa trên xe hỏng.
Quan sát xung quanh, phía trước là hàng ghế đã sờn cũ, những tấm kính lem nhem. Bên ngoài xe buýt dù được phủ lớp sơn màu đỏ vẫn không che hết sự cũ kỹ của những mảng sắt hoen rỉ.
Là vị khách duy nhất từ đầu đến cuối bến của tuyến buýt với quãng đường 25km, 60 phút ngồi trên xe của PV không khác nào “cực hình” bởi tiếng dằn, xóc mỗi khi xe qua đoạn đường xấu.
Ở hành trình ngược lại, xe buýt BKS 51B - 065.03 xuất bến từ khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi có khá hơn. Xe sạch sẽ hơn, hàng ghế được bọc lại, chỉ duy nhất hệ thống điều hòa vẫn không hoạt động, thay vào đó chỉ có chiếc quạt nhỏ treo trên trần xe.
Ghi nhận cho thấy, trong suốt hành trình di chuyển, lượng khách đi xe rất ít, di chuyển quá nửa quãng đường mới xuất hiện lác đác một vài sinh viên lên xe.
Đứng chờ xe buýt tại bến xe Đại học Quốc gia TP.HCM để đi xe số 99 đến ngã tư Tây Hòa, em Võ Quốc Khanh, sinh viên Trường Đại học GTVT chia sẻ: “Đây là chiếc xe buýt cũ và tệ nhất so với những chiếc còn lại ở làng đại học Thủ Đức. Chỗ ngồi trên xe khá chật, ghế quá cũ kỹ và thấp, cửa kính dơ. Mỗi lần xe chạy rất xóc, cảm giác không an toàn”.
Không chỉ tuyến buýt số 99, tìm hiểu của PV, hiện nay, tuyến buýt số 10 (Đại học Quốc gia - Bến xe Miền Tây) cũng là một trong những tuyến có chất lượng phương tiện kém hơn những tuyến buýt còn lại.
Đây là tuyến có lượng sinh viên đi lại hàng ngày khá đông nhưng hầu hết các xe được đưa vào phục vụ đều có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Mỗi lần di chuyển trên đường, những làn khói đen kịt từ ống xả xe buýt thải ra, phả thẳng vào người tham gia giao thông, tạo ra hình ảnh phản cảm trên đường.
Ông Nguyễn Văn Tính, một tiếp viên trên tuyến xe buýt số 99 cho biết: “Những năm 2018, 2019 doanh thu mỗi xe khoảng 2.000.000 đồng/ngày, nhưng đến nay cao lắm cũng khoảng 800.000 đồng. Trừ các chi phí chẳng còn bao nhiêu, thậm chí hòa vốn hoặc lỗ. Muốn thay xe mới nhưng khách vẫn ít, các xã viên không dám mạo hiểm. Chạy ngày nào hay ngày đó, lấy công làm lời”.
Tổ chức đấu thầu, thay xe mới nhiều tuyến
Xe buýt 99 BKS 51B-063.43 đã quá cũ kỹ, không máy lạnh, ghế sờn rách. Ảnh: Đỗ Loan
Là đơn vị quản lý tuyến buýt số 99, bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc HTX Vận tải và Du lịch Thanh Sơn cho biết, hiện nay, tuyến buýt số 99 có 20 xe, mỗi xe chạy 10 chuyến/ngày. Đây là những xe đã sử dụng khoảng 10 năm nay.
“Trong hợp đồng ký với Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM, vòng đời khai thác của xe vẫn còn 10 năm nữa. Thế nhưng, những xe này cũng đã cũ và xuống cấp, Trung tâm đã yêu cầu đến ngày 26/3/2023, các xã viên phải bảo dưỡng, sửa chữa, chỉnh trang lại phương tiện”, bà Thanh nói và cho biết, lượng khách giảm 50% so với thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Nếu Trung tâm yêu cầu thay xe mới, trường hợp các xã viên không đủ điều kiện để đầu tư, Trung tâm sẽ tổ chức đấu thầu và chọn những đơn vị có đủ năng lực đảm nhận khai thác tuyến trên.
Đại diện HTX vận tải xe buýt Quyết Thắng, khai thác tuyến buýt số 10 (ĐH Quốc gia - Bến xe Miền Tây), cho biết tuyến có 14 xe buýt, những xe này được đầu tư và đưa vào hoạt động từ năm 2004, hiện nay đã cũ và xuống cấp.
Do đó, để đảm bảo phục vụ hành khách tốt hơn như yêu cầu của Trung tâm quản lý giao thông vận tải công cộng, đơn vị sẽ thay thế những xe có chất lượng tốt hơn.
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, đơn vị đang rà soát lại tất cả các tuyến xe buýt cũ trên địa bàn thành phố.
Đối với HTX Thanh Sơn quản lý tuyến xe buýt số 99, Trung tâm đã yêu cầu đơn vị chấn chỉnh, bảo dưỡng phương tiện. Đến năm 2024, đơn vị tổ chức đấu thầu đầu tư xe mới.
Để đảm bảo chất lượng phương tiện trong thời gian tổ chức đấu thầu, không để xảy ra tình trạng như tuyến số 10, 99, Trung tâm đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện tốt công tác bảo dưỡng, sửa chữa xe, tăng cường kiểm tra điều kiện hoạt động; kiên quyết không để xe kém chất lượng tiếp tục hoạt động.
Theo kết quả rà soát, hiện tại, có 19 tuyến xe buýt có trợ giá của thành phố còn sử dụng phương tiện cũ trên 10 năm, gồm các tuyến số: 6, 9, 10 18, 25, 29, 30, 33, 41, 47, 68, 73, 88, 99, 102, 104, 141, 151, 79.
Các tuyến này nằm trong danh mục các tuyến xe buýt sẽ tổ chức đấu thầu khai thác trong năm 2023. Đơn vị trúng thầu sẽ đầu tư và đưa vào hoạt động xe mới 100%.
Theo thống kê, TP.HCM đang có 2.124 xe buýt hoạt động trên 125 tuyến. Trong đó, 284 xe buýt không trợ giá và 1.840 xe buýt có trợ giá, trong đó có 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, 22 xe buýt điện. Những xe buýt chất lượng tốt mới đầu tư hoạt động dưới 5 năm chiếm 61,35% tổng số xe buýt và có khoảng 25% tổng số xe đã hoạt động hơn 10 năm cần đầu tư thay thế trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận