Việt Nam bắt đầu quy trình thử nghiệm vắc xin lâm sàng trên người bắt đầu thực hiện từ ngày 10/12
Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngày mai 10/12, Việt Nam chính thức thử nghiệm vắc xin lâm sàng trên người. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong hành trình sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất.
Ngay khi có thông tin trên, rất nhiều người dân sống tại TP.HCM mong muốn được đăng ký làm tình nguyện viên tiêm thử vắc xin ngừa Covid-19 này.
Sở Y tế cho biết, Bộ Y tế ủng hộ và khuyến khích người dân tham gia đăng ký thử nghiệm lâm sàng vắc xin chống ngừa Covid-19, tuy nhiên người dân phải nắm bắt quy trình và điều kiện gì để được thử vắc xin Covid-19. Thông tin này sẽ được công bố trên mọi phương tiện truyền thông sau ngày 9/12.
Theo chuyên gia y tế, tiêu chí cơ bản người dân tham gia thử nghiệm là phải có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh mãn tính, các bệnh truyền nhiễm, tiền sử phản ứng thuốc và phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng trước khi đưa vào thử nghiệm.
Anh N.T.B. (51 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM), một người đăng ký để được tiêm thử vắc xin ngừa Covid-19 cho biết: "Sức khoẻ tôi tốt, tôi sống lành mạnh, thể dục thể thao hằng ngày, gia đình tôi ủng hộ, tôi hoàn toàn không e ngại khi đăng ký tiêm thử vắc xin ngừa Covid-19".
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), theo lộ trình thì nhanh nhất đến cuối năm 2021, Việt Nam mới sản xuất được vắc xin thương mại. Bộ Y tế đang xem xét hồ sơ, sau khi thẩm định, hồ sơ đạt yêu cầu sẽ được phê chuẩn cho thử nghiệm trên người, khi đó sẽ chính thức thông báo tuyển chọn tình nguyện tiêm ngừa.
Về mức giá vắc xin, đại diện Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen cho biết, sẽ cố gắng đưa vắc xin Covid-19 vào danh mục thuốc bảo hiểm, vì vậy, mức giá dự kiến không quá cao. Mỗi người sẽ tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày.
Đây là dạng vắc xin cúm, có tác dụng miễn dịch trong vòng một năm. Khi đi vào đại trà, Nanogen có thể sản xuất được 2 triệu liều/năm. Trong quá trình vận hành, công suất sẽ được nâng lên mức 30-50 triệu liều/năm.
Mục tiêu là cuối năm 2021 sẽ hoàn thành tất cả các khâu thử nghiệm đối với vắc xin Covid-19. Quá trình nghiên cứu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo đảm an toàn cho người tình nguyện.
Ngoài Nanogen, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đang hoàn thiện hồ sơ tiền lâm sàng vắc xin Covid-19 để có thể thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2021.
Trước đó, khi thử nghiệm trên chuột, loại vắcxin này có tác dụng phụ nhưng không đáng kể. Chúng có thể gây ngứa, kích ứng ở vị trí tiêm (hiện tượng do tiêm bắp). Tác dụng phụ này hết sau 30 phút, kết quả giải phẫu cho thấy không có cơ quan nào bị tổn thương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận