Vợ chồng anh Phong (sống tại quận Tân Bình) chờ tiêm phòng cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC (TP.HCM) |
Mỗi ngày gần 200 người đi tiêm phòng cúm
Tại Viện Pasteur TP.HCM (quận 1) sáng 16/6 - một điểm cung cấp tiêm phòng cúm dịch vụ, PV Báo Giao thông ghi nhận nhiều phụ huynh đưa con đi tiêm phòng cúm. Chị Nguyễn Thị Thu Điệp (ở quận Thủ Đức) đưa bé hai tuổi đi tiêm phòng cúm cho biết: “Vừa rồi, nghe tin ở mấy bệnh viện có dịch và ở Thủ Đức có người chết do cúm, tôi rất lo. Sẵn đây, chích nhắc cho bé mấy mũi khác hoặc còn thiếu mũi nào chích luôn. Phòng bệnh cho yên tâm”, chị Điệp chia sẻ.
Tại điểm tiêm phòng cúm dịch vụ khác là BV Đại học Y dược TP.HCM, gần đây, số lượng người lớn tiêm phòng cúm tăng cao, mỗi ngày từ 30-50 liều. Đối tượng tiêm phòng cúm là người trung niên, bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, khi tái khám được bác sĩ tư vấn tiêm phòng cúm.
Tại Trung tâm tiêm chủng cho trẻ em và người lớn VNVC (198 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận), PV ghi nhận tình trạng tương tự. Có trường hợp do con chưa đủ tháng tiêm phòng cúm nên cha mẹ chủ động tiêm phòng tránh lây bệnh cho con, như hai vợ chồng anh Phan Hải Phong và chị Nguyễn Thị Kiều Chinh (sống ở quận Tân Bình). Anh Phong cho biết, do con mới được hơn 4 tháng, chưa đủ tuổi tiêm phòng cúm nên hai vợ chồng đi chích vì không muốn lây bệnh cho con. “Mấy ngày qua, nghe báo đài thông tin có dịch, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ. Hôm nay, đưa con đi chích nhắc vaccine 6 trong 1, tôi đi chích cùng vợ luôn”, anh Phong bày tỏ.
Theo Trung tâm Tiêm chủng VNVC, nửa tháng trở lại đây, do thông tin về bệnh cúm bùng phát khiến người dân lo lắng nên số lượng đến tiêm phòng cúm tăng đáng kể. Những ngày cao điểm, trung tâm đã mở thêm một tầng phục vụ tiêm vaccine. Trung bình mỗi ngày có 100-200 bệnh nhân tiêm phòng cúm. Đối tượng đăng ký tiêm phòng đủ mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ em, phụ nữ chuẩn bị hoặc đang mang thai.
Biến chứng nặng ở người mắc bệnh mạn tính
Chị Nguyễn Thị Kim Thúy (sống ở quận Gò Vấp) cùng chồng đưa con đi tiêm phòng cúm chia sẻ khá bất ngờ khi biết người có những bệnh lý nền như tiểu đường dễ bị bệnh nặng hơn khi mắc cúm trong khi chồng chị và bố chồng đều có bệnh lý tiểu đường. “Tôi sẽ về tìm hiểu lại thông tin và khuyên chồng và bố chồng đi tiêm phòng cúm”, chị Thúy nói.
Tại TP HCM, liên tục các ca nhiễm cúm A/H1N1 trong 2 tháng qua. - Cuối tháng 5 vừa qua, ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A/H1N1 là một phụ nữ 26 tuổi. Tại BV Chợ Rẫy cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam bị nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch sau cả tuần tự trị bệnh tại nhà. - BV Từ Dũ khoanh vùng ổ dịch, sau khi phát hiện 1 ca bệnh cúm A/H1N1. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ghi nhận bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A/H1N1 là 1 nam bệnh nhân 54 tuổi. Tại BVĐK TP Cần Thơ, mới đây cũng phải cách ly 3 nhân viên y tế nghi nhiễm cúm A/H1N1 từ bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Tại Vĩnh Long cũng ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1... |
Theo ThS.BS. Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV Đại học Y Dược TP.HCM, cúm là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nhiều loại virus cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra theo mùa. Trong lịch sử có nhiều đại dịch cúm làm chết hàng triệu người. Ngày nay, một số đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ có thai và một số người mắc các bệnh mạn tính vẫn có thể gặp nguy hiểm khi bị cúm.
Cách tốt nhất giảm nguy cơ mắc cúm là tiêm phòng. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa tiêm phòng. Vì chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên cần tiêm phòng mỗi năm trước khi vào mùa cúm.
Người tiêm phòng cúm sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus khi họ bị nhiễm. Cần khoảng 2 tuần để tạo ra kháng thể này và khả năng bảo vệ là 50-80% (tức 50-80% người chích sẽ không bị cúm sau khi chích).
Theo cảnh báo của BS. Vinh, có nhiều nhóm người có nguy cơ biến chứng cao như phụ nữ có thai, trẻ nhỏ (< 5 tuổi và đặc biệt < 2 tuổi), người có bệnh mạn tính như: Bệnh phổi mạn (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, ghép tạng) và một số các bệnh khác. Với nhóm này, nếu có triệu chứng cúm, người bệnh nên gặp nhân viên y tế để được thăm khám, tư vấn kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận