Mặt hàng trái cây giá ổn định, có nhiều loại giảm giá
Sáng 4/7, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại chợ Tăng Nhơn Phú B, chợ Phước Bình (TP. Thủ Đức) rất vắng vẻ, chợ đóng cửa 2/3 sạp, chỉ còn một số sạp bán rau, cá, thịt và các sản phẩm dịch vụ thiết yếu khác. Ngày bình thường chợ này hoạt động tấp nập, nhộn nhịp khách nhưng nay chỉ lác đác vài người.
Theo tìm hiểu của PV, giá các loại thịt tại chợ giữ mức ổn định. Tuy nhiên mặt hàng rau, củ, quả lại tăng mạnh. Cụ thể, giá rau cải xanh, cải ngọt ở mức 20.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6; dưa leo lên 30.000 - 35.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; đậu cove giá 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; rau mùng tơi 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; cà chua Đà Lạt 30.000 - 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg...
Chị Nguyễn Thị Hoa, bán sạp rau tại chợ Phước Bình cho biết: Do dịch bệnh nên vận chuyển khó khăn, khiến chi phí vận chuyển cao hơn, nhất là mặt hàng rau xanh được dùng hàng ngày dẫn đến giá tăng cao.
Trong khi đó, thịt heo tại chợ lại ế ẩm, ít người mua, giá tương đối ổn định. Cụ thể, sườn non 150.000 - 170.000 đồng/kg, ba rọi 120.000 - 130.000 đồng/kg, nạc vai có giá 110.000 - 125.000 đồng/kg...
Ngồi từ sáng đến trưa nhưng bàn thịt vẫn còn một nửa, chị Phạm Anh Lê, tiểu thương tại chợ Tăng Nhơn Phú ngao ngán: "Lượng khách đến mua thịt heo giảm khoảng 80%, người đi chợ thường mua đồ tích trữ sẵn cả tuần. Giá thịt cơ bản ổn định, nhưng cũng có ngày tăng do việc lấy hàng khó khăn hơn, nguồn hàng cũng giảm nhiều".
Tương tự, các chợ khác cũng thực hiện việc giãn cách nghiêm ngặt. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Xóm Chiếu (quận 4), Tân Định (quận 1)… được ngành chức năng đều yêu cầu khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, một số cửa hàng được giăng dây để giữ khoảng cách giữa người bán và người mua.
Không chỉ trong chợ, các siêu thị cũng ít người mua và đều thực hiện việc giãn cách mua bán.
Clip chợ truyền thống bị đóng cửa, nhiều mặt hàng tăng giá:
TP.HCM hiện có 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi. Tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng hàng về chợ đạt khoảng 2.175 tấn/đêm, trong đó thịt gia súc đạt khoảng 175 tấn, 1.100 tấn rau củ quả và 900 tấn thủy hải sản. Chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau củ quả và trái cây các loại dao động ở mức 3.300-3.500 tấn/đêm.
Lượng hàng về chợ đầu mối Hóc Môn trung bình trước dịch khoảng 2.600 - 2.700 tấn/đêm, gồm thịt gia súc, rau củ quả, trái cây, được cung cấp cho các chợ truyền thống, các khu công nghiệp, siêu thị thuộc TP.HCM các tỉnh lân cận. Tổng lượng hàng tại 3 chợ đầu mối tại TP.HCM đáp ứng 70% thị trường thành phố.
Hiện, TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động chợ đầu mối Hóc Môn 7 ngày và tạm ngưng một số gian hàng trong chợ đầu mối Bình Điền. Nhiều chợ truyền thống liên quan đến ca nhiễm Covid-19 như: Hòa Hưng (Q.10), chợ Thái Bình (Q.1), Nguyễn Tri Phương (Q.6), Phạm Thế Hiển (Q.8), Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), Sơn Kỳ (Q.Tân Phú)... cũng đã tạm ngưng kinh doanh.
Một số hình ảnh ghi nhận tại chợ Phước Bình, Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức:
Chợ Tăng Nhơn Phú B được kiểm soát chặt chẽ
Các sạp trong chợ đóng cửa gần hết, chỉ còn những mặt hàng thiết yếu được bày bán
Các sạp bán gạo, thịt cá vẫn được bày bán nhưng người mua rất ít
Chợ luôn vắng vẻ
Các loại rau đều tăng giá, mỗi loại rau tăng từ 7.000 -10.000đ/kg
Cà chua với giá 35.000đ/kg, tăng 10.000 -15.000đ/kg so với ngày thường
Do chợ đóng cửa, người dân lựa chọn vào siêu thị gần chợ để mua đồ
Các chợ tạm đóng cửa do dịch
Chợ Phước Bình, TP. Thủ Đức đã đóng cửa hơn 1 tuần
Bên trong chợ một số mặt hàng cá thịt vẫn được bày bán
Những sạp bán rau bên ngoài cũng ít khách mua
Cà chua vườn được bán giá 50.000đkg thay vì 35.000 - 40.000đ/kg ngày thường
Vẫn nhiều người dân mua rau ở các xe hàng rong vì giá rẻ hơn
Không được bán trong chợ, nhiều người dùng xe đẩy bán rau, khi gặp lực lượng chức năng là tháo chạy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận